Trên 136 nghìn hội viên và gần 6 nghìn cán bộ đang công tác ở cấp hội nên Hội Nông dân tỉnh hiện là tổ chức đoàn thể có số hội viên và quy mô hoạt động lớn nhất so với các hội, đoàn thể khác trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được cho hội viên, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh vẫn cần phải lấp đầy một số khoảng trống...
Để giúp đỡ hội viên, trong 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thực hiện một số chương trình như: Hỗ trợ vốn vay cho hội viên phát triển sản xuất; chuyển giao khoa học kỹ thuật và cung ứng phân bón trả chậm; hỗ trợ đào tạo nghề cho hội viên. Đối với từng lĩnh vực nêu trên, hội viên nông dân trong tỉnh đã được hưởng lợi và những sự giúp đỡ này đều mang lại ý nghĩa. Đơn cử, Hội Nông dân tỉnh đã tín chấp với các ngân hàng, huy động nguồn vốn từ nhiều chương trình khác nhau với tổng số trên 439 tỷ đồng cho trên 40 nghìn lượt hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, các cấp Hội đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức được trên 21 nghìn lớp cho gần 1 triệu lượt hội viên nông dân tham gia. Ký hợp đồng với công ty sản xuất phân bón mua 27 nghìn tấn phân hóa học trị giá trên 39 tỷ đồng để hội viên mua lại với hình thức trả chậm, phục vụ sản xuất. Riêng trong lĩnh vực đào tạo nghề cũng đã tạo điều kiện để khoảng 7 nghìn hội viên tham gia học nghề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến nông sản.
Những việc làm nêu trên đã phần nào giúp hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, qua đánh giá các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, chúng tôi thấy: Ngoài những mặt tích cực như đã nêu ở trên, hội viên nông dân vẫn cần nhiều sự giúp đỡ như trong hoạt động sản xuất đang cần những mô hình kiểu mẫu về chuyên canh, thâm canh các loại cây trồng, mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Trong khi đó, hầu hết các lớp tập huấn của Hội tổ chức trước đây đều trọng về lý thuyết nên kiến thức hội viên thu được không nhiều (10 năm qua các cấp Hội mới xây dựng được 150 mô hình mẫu). Hoạt động vay vốn cũng chưa có nhiều hội viên được giải ngân những món vay có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên nên việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất khó thực hiện được. Hoạt động dạy nghề cho hội viên cũng chỉ là các lớp ngắn hạn hoặc là những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nên ít người sau khi được học nghề tạo ra sản phẩm có giá trị cao, có sự đột phá về thu nhập. Mới đây, liên ngành của tỉnh tổ chức khảo sát về đào tạo nghề cho người dân nông thôn phát hiện mới có 12% số hội viên nông dân được đào tạo nghề. Ông Nguyễn Hồng Sơn, thôn Vân Trai, xã Tân Phú (Phổ Yên) cho biết: “Hội viên chúng tôi rất cần những mô hình mẫu về trồng trọt, chăn nuôi để từ đó học tập làm theo còn việc tập huấn cũng cần nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì không có nhiều người vận dụng được vào thực tế vào sản xuất...”. Còn ông Lý Văn Sinh, bản Lũng Vài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) khi hỏi cần giúp gì lại bộc bạch: “Bà con ở đây thiếu đủ thứ nhưng một trong điều cần nhất bây giờ chính là kiến thức pháp luật. Tại bản này số người viết được tờ đơn trình báo một vụ việc chưa tới 10 người nên nói gì đến chuyện hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình khi cần”. Bà Ma Thị Tơ ở xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) lại mong muốn được quan tâm, hỗ trợ bà con ở đây về dịch vụ về văn hóa. Phỏng vấn thêm một một số hội viên nông dân nữa chúng tôi phát hiện nhiều hội viên còn tự ty về thân phận của mình hoặc không mặn mà với việc tham gia tổ chức Hội vì cho rằng chưa nhận được giúp đỡ. Chính vì hạn chế này mà một bộ phận không nhỏ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh không có ý chí phấn đấu vươn lên, chấp nhận cuộc sống đói nghèo, cá biệt, có trường hợp muốn gia đình mình mãi thuộc diện hộ nghèo để được hưởng các chính sách đãi ngộ.
Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) mới đây của Đảng đã xác định cần đầu tư mạnh hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân để chúng ta trở thành nước phát triển vào năm 2020. Đối với Thái Nguyên, nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn đang là những lĩnh vực quan trọng, cần nhanh chóng được đổi mới. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương thì các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phải là tổ chức tiên phong trong việc giúp đỡ nông dân. Trước tiên, các cấp Hội nên kiện toàn tổ chức ở các cấp để chọn những cán bộ có năng lực, trách nhiệm đứng ra gánh vác công việc của Hội. Từng cấp Hội căn cứ trên những điều kiện, khă năng hiện có để đưa ra các biện pháp giúp đỡ hội viên một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Điều mấu chốt nữa là nên xây dựng 5.320 gia đình cán bộ là chi hội trưởng, chi hội phó nông dân cơ sở thành những mô hình phát triển kinh tế điểm để qua đó hội viên học tập nhân rộng. Tổ chức các đợt tư vấn pháp luật về nhiều vấn đề, lĩnh vực gắn bó với cuộc sống hàng ngày của hội viên và có chính hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn để bảo vệ quyền lợi chính đáng khi bị xâm phạm. Đặc biệt là việc giáo dục nâng cao nhận thức về giai cấp cho hội viên nông dân cần phải đẩy mạnh hơn bao giờ hết bởi không được giác ngộ người nông dân sẽ ít hiểu biết về giai cấp của mình, không có bản lĩnh kiên cường, dễ đánh mất niềm tin dẫn tới bị kẻ xấu lợi dụng và bằng lòng với cuộc sống hiện tại...