Do có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nên 100% số xã, phường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có trạm y tế, ở những cụm xã thuộc vùng sâu, vùng xa còn được bố trí thêm phòng khám đa khoa để tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc khám, chữa bệnh.
Dù còn gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhưng những năm qua, các trạm y tế xã, phường luôn phấn đấu hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của mình, trở thành điểm tựa vững chắc cho ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Bùi Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: Trạm y tế xã, phường là một mắt xích không thể thiếu trong hệ thống các đơn vị của ngành, nhiều năm qua, ngành y tế luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe tại các xã, phường.
Từ đầu năm 2009 đến nay, ngành Y tế đã tích cực giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản, đấu thầu xây dựng mới 20 trạm y tế thuộc dự án AP; tiếp tục hoàn thành việc xây dựng 17 trạm y tế tại các huyện từ nguồn vốn do tổ chức OFIX tài trợ. Công tác xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế tiếp tục được triển khai tại các huyện, thành, thị xã của tỉnh, tháng 9-2009, toàn tỉnh có thêm 8 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, nâng tổng số trạm đạt chuẩn của tỉnh lên 92/180 trạm (đạt 51,11%).
Trong công tác củng cố nguồn nhân lực, từ đầu năm đến nay, ngành Ytế đã tuyển dụng được 315 cán bộ vào công tác tại các cơ sở y tế đặc biệt là tuyến xã, phường, hiện tỷ lệ giữa cán bộ điều dưỡng trung học và bác sĩ của toàn ngành đang ở mức 2,63/ 01 bác sỹ, gần đạt mức chuẩn so với quy định của Bộ Y tế. Về trang thiết bị, ngoài việc đầu tư cho các trạm xây dựng chuẩn quốc gia về y tế trong năm 2009, ngành y tế đang tiếp tục khảo sát thực tế để tiếp tục mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế trên cơ sở năng lực sử dụng của cán bộ y tế để tránh lãng phí. Trong 9 tháng của năm 2009, các cơ sở y tế của tỉnh đã khám bệnh cho gần 1,4 triệu lượt bệnh nhân, trong đó khám bệnh tại các trạm y tế là 573.619 lượt, tính bình quân số lần người dân của tỉnh được chăm sóc y tế trong 9 tháng qua là 1,21 lần/người. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai rộng khắp trên địa bàn, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 70% kế hoạch năm; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm vắc xin phòng uốn ván đạt 74,99% kế hoạch năm (tăng 12,16% so với cùng kỳ năm 2008); công tác khám phát hiện, quản lý và điều trị bệnh tuyến giáp tiếp tục được triển khai thường xuyên, số người được điều trị bướu cổ đơn thuần là 1.088 người (tăng 555 người so với cùng kỳ năm 2008); các chương trình y tế khác như: phòng chống tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng được duy trì hoạt động đúng kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến xã hiện đang gặp một số khó khăn. Thứ nhất là việc đầu tư xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, theo kế hoạch đã đề ra thì đến hết năm 2010, tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh sẽ đạt chuẩn y tế quốc gia, mục tiêu này đang có nguy cơ không hoàn thành được do thiếu nguồn kinh phí để đầu tư cho gần 90 trạm y tế chưa đạt chuẩn của tỉnh. Thứ hai là tình trạng thiếu bác sĩ, hiện tại toàn tỉnh có 11/180 trạm y tế thiếu bác sĩ hoạt động, đây thực sự là bài toán khó đối với ngành bởi do mức lương thấp nên rất ít bác sĩ chịu về công tác tại y tế xã, trong đợt tuyển công chức năm 2009, Sở Y tế chỉ tuyển dụng được 315 biên chế (trong đó có 17 bác sĩ)/ nhu cầu tuyển là 355 biên chế.
Theo ý kiến của Tiến sỹ Bùi Văn Hoan, trong điều kiện hiện nay, để nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến xã, trước tiên phải đầu tư đủ cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế; việc đầu tư phải phù hợp với năng lực sử dụng của cán bộ y tế tại trạm, ưu tiên cho các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Hiện tại toàn tỉnh còn 4 phòng khám khu vực đặt tại trung tâm các cụm xã ở vùng sâu, vùng xa, chủ trương của ngành là sẽ rà soát lại, nếu thấy phù hợp thì tiếp tục đầu tư để duy trì, nếu không phù hợp thì sẽ ưu tiên đầu tư cho các xã khác. Để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ tại trạm y tế, ngành sẽ tăng cường có thời hạn bác sĩ ở tuyến huyện, tỉnh về công tác tại các trạm còn thiếu. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, toàn ngành y tế đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào nâng cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, áp dụng các kỹ thuật cao trong công tác chẩn đoán và điều trị; phối hợp với các đoàn thể xã hội huy động sự vào cuộc của cộng đồng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.