Thành phố bên bờ sông Dương Tử

10:38, 06/10/2009

Cuối thu 2009, Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến nghiên cứu, làm việc tại T.P Trùng Khánh (Trung Quốc).

 

Tại chuyên công tác này, chúng tôi ghi lại một vài cảm nhận về một thành phố - trung tâm kinh tế- văn hoá lớn của Trung Quốc, có nhiều nét tương đồng với Thái Nguyên.

 

Đô thị hiện đại nhưng thân thiện với môi trường

 

8 h 30 phút máy bay cất cánh tại sân bay Nội Bài, quá cảnh tại Quảng Châu, đến khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, dưới cánh bay là T.P Trùng Khánh- Thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc hiện ra với vô vàn những cây cầu, những toà nhà chọc trời và những thảm cây xanh ngút ngàn tầm mắt. Trùng Khánh xưa thuộc tỉnh Tứ Xuyên, miền đất thuộc nước Thục thời Tam Quốc, nổi danh với thiên tài quân sự, chính trị Khổng Minh, nghĩa khí của tam hùng hào kiệt Lưu, Quan, Trương. Thời thế chiến II, Trùng Khánh là nơi mà các nhà máy, các trường học miền Đông Trung Quốc chuyển đến. Đây cũng đã từng là cố đô của Tưởng Giới Thạch khi Quốc dân Đảng còn cầm quyền tại Trung Quốc.

 

Hiện nay Trùng Khánh là thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích trên 82 nghìn km2, dân số trên 32 triệu người. Trùng Khánh có nền sản xuất công nghiệp phát triển mạnh như sản xuất ô tô, máy móc, các thiết bị quân sự, đóng tàu, các khu công nghệ cao về điện tử, chế biến; Thành phố có 39 ngân hàng và 66 công ty chứng khoán, bảo hiểm hoạt động. Về giáo dục, đào tạo, Trùng Khánh có 55 trường đại học, cao đẳng, nhiều cơ sở nghiên cứu, ứng dung khoa học kỹ thuật chất lượng cao, trong đó có Trường đại học Trùng Khánh, Tây An là những cơ sở đào tạo rất nổi tiếng… Sân bay Trùng Khánh hàng năm vận chuyển khoảng 10 triệu hành khách và rất nhiều hàng hoá. Các hệ thống giao thông của Trùng Khánh như đường sắt, đường bộ rất thuận lợi và hiện đại; cảng đường sông Trùng Khánh là cảng lớn nhất miền Tây Trung Quốc, nối Trùng Khánh với miền Đông qua sông Dương Tử, một trong những con sông lớn nhất Trung Quốc.

 

Thành phố nằm bên bờ sông Dương Tử này còn được ví như đô thị của những cây cầu và những ngôi nhà chọc trời vì có trên 3.000 cây cầu và hàng nghìn ngôi nhà chọc trời hiện đại, cho thấy sự phát triển kỳ diệu của Trùng Khánh trong những năm qua và hiện nay đang là một trung tâm kinh tế- văn hoá quan trọng của miền Tây Trung Quốc. Trùng Khánh có địa hình đồi núi cao, xen kẽ những vùng bán sơn địa, đồi gò, có nhiều tài nguyên khoáng sản và tiềm năng về sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển cây công nghiệp… Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Trùng Khánh đứng thứ 3 Trung Quốc, GDP năm 2008 đạt trên 5.096 tỷ Nhân dân tệ, năm 2009 tuy bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng Trùng Khánh vẫn đạt tốc độ phát triển 12,6%.

 

Với những đặc điểm cơ bản đó có thế nhận thấy Trùng khánh có nhiều nét tương đồng với Thái Nguyên về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch. Đây cũng là địa chỉ để tỉnh ta tăng cường tìm hiểu, tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên, qua đó tìm kiếm sự hợp tác đầu tư và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế- xã  hội của hai địa phương.

 

Một thành phố hiện đại và phát triển như vậy, nhưng công tác quản lý đô thị ở đây rất trật tự và nền nếp. Thành phố rộng lớn, luôn đông đúc, nhưng lại rất văn minh, trật tự. Chúng tôi ở thành phố này 3 ngày, đi nhiều phố phường nhưng không gặp một người công an nào, mọi người đều rất tự giác chấp hành Luật Giao thông và các quy định về vệ sinh môi trường và văn minh đô thị.

 

Nét khá độc đáo trong xây dựng thành phố Trùng Khánh mà chúng tôi nhận thấy là mặc dù đất rất rộng nhưng trong xây dựng lại rất tiết kiệm đất. Các ngôi nhà hầu hết đều cao từ 15 tầng trở lên, có các khu vui chơi và công viên cây xanh phát triển. Trong xây dựng các khu dân cư, các công sở, hầu như các nhà kiến trúc rất ít khi làm thay đổi địa mạo, địa tầng. Các công trình được xây dựng theo địa hình một cách hài hoà và tiện ích nhất. Vì vậy trong xây dựng không có chuyện san lấp chỗ cao xuống chỗ thấp mà diện mạo đồi núi gần như được giữ nguyên. Vì vậy thành phố rất phát triển nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, không có những thay đổi về địa chất, về dòng chảy sông suối, tránh được ngập úng cục bộ trong xây dựng các công trình. Điều này cũng làm nên vẻ đẹp đặc thù của một đô thị miền núi, có những nét quy hoạch, kiến trúc rất gắn kết với thiên nhiên, địa hình, làm tôn thêm vẻ đẹp của một thành phố vừa hiện đại vừa thân thiện với môi trường, thiên nhiên.

 

Cơ hội hợp tác

 

Là một thành phố có nền kinh tế phát triển, Trùng Khánh đã có những quan hệ hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại với Việt Nam. Vào các năm 2001, 2002, 2003, Trùng Khánh từng tổ chức hội chợ sản phẩm tại Việt Nam với quy mô 30 gian hàng. Về đầu tư, Trùng Khánh đã có 12 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 35 triệu USD, trong đó có 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng. Doanh nghiệp tiêu biểu đầu tư vào Việt Nam là Tập đoàn Lifan, Tập đoàn Chongqing- Tongsheng. Về giáo dục hiện nay có khoảng 500 sinh viên Việt Nam đang học tại các trường đại học nổi tiếng tại Trùng Khánh. Một số trường đại học của Việt Nam cũng đã có quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực với các trường đại học của Trùng Khánh.

 

Do có nhiều đặc điểm tương đồng và cũng đều là những địa phương đang phát triển. Đoàn công tác của Thái Nguyên, trong đó có nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý đã tham dự Hội thảo Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam - Trùng Khánh(Trung Quốc). Tại hội thảo quan trọng này, Đồng chí Phạm Xuân Đương tham gia Đoàn chủ tịch đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi và làm việc với lãnh đạo T.P Trùng Khánh, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc. Qua đó đã tìm hiểu tiềm năng thế mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên với các doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp của Thái Nguyên cũng đã có nhiều dịp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghhiệp của Trùng Khánh nói riêng và Trung Quốc nối chung. Qua trao đổi với chúng tôi, đại diện các doanh nghiệp Thái Nguyên đều đánh giá chuyến công tác là rất bổ ích cho các hoạt động quản lý doanh nghhiệp, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngay sau hội thảo, đã có 5 doanh nghiệp Trung Quốc ghi nhận sẽ có những tìm hiểu và hợp tác đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. Các lĩnh vực mà các doanh nghhiệp Trùng Khánh có thế mạnh cũng rất phù hợp với sự phát triển của Thái Nguyên như: Cơ khí chế tạo, vật liệu điện, điện tử, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng đô thị, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực …

 

Tham dự hội thao và thăm quan một số cơ sở sản xuất của Trùng Khánh, Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đã được bè bạn đánh giá cao về tư duy năng động, tỉnh cũng là địa phương của Việt Nam có chính sách, cơ chế đầu tư và nhiều lĩnh vực đầu tư phong phú, hấp dẫn. Thái Nguyên cũng có nhiều doanh nghiệp mạnh, nhiều tiềm năng và kinh nghiệp trong quản lý doanh nghiệp. Đây là những địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến hợp tác đầu tư  với Thái Nguyên trong tương lai.