Nhờ có các văn bản hướng dẫn cụ thể, sát với thực tế của Trung ương và hiệu ứng từ các phong trào thi đua do các cơ quan thi hành án trong tỉnh phát động nên kết quả thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, số án tồn đọng từ những năm trước đã từng bước được giải quyết...
Từ đầu năm 2009 đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh đã thụ lý, giải quyết 11.734 việc với tổng số tiền phải thi hành là trên 142,4 tỷ đồng và 275 việc được ủy thác thi hành từ các cơ quan chức năng với số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Trong đó, có 5.761 việc đủ điều kiện thi hành và đến hết tháng 9 các cơ quan thi hành án trong tỉnh đã giải quyết xong hoàn toàn 4.151 việc, đạt tỷ lệ gần 85%, với số tiền thu được trên 20,3 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh và thi hành án dân sự 9 huyện, thành, thị đã ủy thác, phối hợp với các cơ quan chức năng đình chỉ, trả đơn 1.416 việc với số tiền là trên 44,2 tỷ đồng, miễn giảm thi hành án 101 việc với số tiền trên 1 tỷ đồng nên đã góp phần giảm số án tồn đọng được trên 11% (tất cả các chỉ tiêu trên đều vượt so với kế hoạch đề ra của Bộ Tư pháp).
Có được kết quả này là do cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh và cơ quan thi hành án dân sự của 9 huyện, thành, thị đã nghiêm túc triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự; tổ chức phân loại số án thụ lý từ tòa án để đưa ra giải pháp thực hiện hợp lý; tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ; phát động các phong trào thi đua...Đồng chí Nguyễn Văn Trung, Trưởng Thi hành án tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Yếu tố khách quan tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi là năm nay Luật Thi hành án có hiệu lực thi hành, các cơ quan tư pháp của Trung ương, của tỉnh phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ chúng tôi trong quá trình giải quyết công việc chuyên môn. Cùng với đó là tập thể cán bộ của các cơ quan thi hành án trong tỉnh đều đoàn kết, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao...”.
Trong tất cả các cơ quan thi hành án trên địa bàn thì Thi hành án dân sự tỉnh và Thi hành án dân sự T.P Thái Nguyên là 2 đơn vị đang trực tiếp thi hành khoảng 70% số vụ việc của cả tỉnh (gần 3.000 vụ việc mỗi năm) nên đã có nhiều biện pháp giải quyết công việc chuyên môn: Chi bộ Đảng, Ban lãnh đạo 2 cơ quan trên đã họp và thông nhất thực hiện khoán việc cho các chấp hành viên, chọn lựa cán bộ có năng lực để giao những vụ việc phức tạp, có cơ chế khen thưởng đặc biệt với những cán bộ hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn. Với cách làm này việc giải quyết án dân sự ở tỉnh và T.P Thái Nguyên đã có chuyển biến: Số án mới có điều kiện thi hành hàng năm đã được giải quyết cơ bản, số án tồn đọng giảm.
Về phía cơ quan Kiểm sát cũng đã tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thi hành án dân sự để làm rõ, phân loại số án có đủ điều kiện thi hành và án chưa đủ điều kiện thi hành. Ngành toàn án cũng đã cân nhắc giữa việc phán quyết khi xét xử theo quy định của pháp luật với tính khả thi khi thi hành án dân sự để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ án phải “treo” nhiều năm. Đặc biệt là các cơ quan thi hành án trong tỉnh đang tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp về thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; công tác quản lý cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm việc tại các cơ quan này. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, trong tháng 11 tới cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh sẽ được nâng cấp thành Cục Thi hành án dân sự, cấp huyện sẽ là Chi cục và được bổ sung thêm về cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Để chuẩn bị cho sự kiến lớn này các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đang tổ chức kiện toàn lại bộ máy, các tổ chức Đảng, đoàn thể; quy hoạch cán bộ và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác.
Hy vọng với sự quan tâm của các cấp, ngành nói chung, sự nỗ lực của cơ quan thi hành án dân sự nói riêng vấn đề thi hành án sự sẽ không để tình trạng tồn đọng vụ viêc kéo dài, góp phần thực hiện nghiêm pháp luật.