- Học xong ĐH Thủy sản Cần Thơ, tôi đi làm công chức gần mười năm thì nghỉ ở nhà làm kinh tế vì làm việc cho Nhà nước, nhiều ý tưởng có muốn cũng không thể thực hiện được - ông Cao Huỳnh Lâm, một trong những nông dân điển hình tiên tiến ở Vĩnh Long chia sẻ.
Đầu tiên ông Lâm nuôi cá, nuôi heo, hiện tại trồng cây bonsai để bán, rồi cung cấp thức ăn gia súc, thuốc thú y... Ước tính tổng tài sản của ông khoảng hơn chục tỷ đồng. Tổng diện tích trang trại là năm mươi công.
Vợ chồng kỹ sư ở nhà lá
Ông bắt tay vào làm trang trại được bao nhiêu năm rồi?
- Tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, "lấy củi đậu nấu hạt đậu", từ làm ăn, chăn nuôi nhỏ, làm thuê, làm mướn tích lũy vốn từ từ.
Tốt nghiệp ĐH Thủy sản Cần Thơ, tôi đi làm cho cơ quan nhà nước ở Vĩnh Long đến năm 1995 thì nghỉ.
Vợ tôi còn nghỉ trước tôi. Đói quá. Sắm một cái tủ thuốc thú y lèo tèo như một tủ thuốc lá. Hai vợ chồng đi chung một cái xe đạp.
Những người bạn đến thăm nói, vợ chồng kỹ sư mà ở nhà lá sao. Rất nghèo túng.
Cũng may khi bắt đầu làm trang trại cá, tôi đã vay được vốn của ngân hàng, khoảng 500 triệu đồng.
Hồi đó ở Vĩnh Long đã có mô hình trang trại nào thành công chưa?
- Hồi đó chưa có mô hình tư nhân nào ở Vĩnh Long để mình có thể học tập và làm theo. Tuy nhiên, trong mấy năm làm ở Nhà nước, tôi đã tham gia xây dựng các trang trại do tỉnh quản lý nên cũng có một chút ít vốn liếng kinh nghiệm.
Nhưng làm việc cho Nhà nước, nhiều ý tưởng không thực hiện được.
Những ý tưởng nào ông đang áp dụng để quản lý trang trại của ông mà khi làm Nhà nước ông không áp dụng được?
- Hiện nay, ngoài nuôi cá, trang trại của tôi có hơn ngàn con heo.
Chỉ với 5, 6 công nhân mà công việc vẫn chạy. Người làm ở nhà máy chế biến, người trông trại cá, người chăn nuôi... quy mô rất đơn giản và gọn nhẹ. Trang trại tư nhân đâu cần bày ra lắm vị trí.
Còn hai vợ chồng tôi chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các khâu: mua hàng, chuyển hàng, tài chính, thuốc men... Mọi việc quản lý đều nhờ phần mềm vi tính do một người bạn là giảng viên ĐH Cần Thơ viết giúp. Mọi việc cứ theo quy trình. Rất đơn giản và khoa học.
Khi tôi làm trang trại thì suy nghĩ của tôi là thân thiện môi trường, hạn chế chất thải và ô nhiễm. Trại của tôi chăn nuôi nhưng không có ruồi, trồng nhiều hoa, cây thơm. Hiện, trại của tôi còn đang được xây dựng tiếp để hoàn chỉnh về quy mô.
Nếu suôn sẻ, cuối năm 2010 trang trại của tôi sẽ hoàn chỉnh. Bây giờ đang hoàn chỉnh, từ từ đường sá, cây cối, sẽ giống như một công viên.
Làm Nhà nước, bộ phận gián tiếp quá đông
Trang trại của ông được đánh giá cao vì xây dựng theo mô hình tổng hợp, khép kín, nuôi cá, lợn, tự sản xuất thức ăn cho gia súc... Nhiều việc như vậy thì quản lý có vất vả không?
- Nếu trang trại của tôi mà là trang trại của Nhà nước thì bao giờ cũng quy mô to lớn, đồ sộ. Chỉ tính riêng khu vực văn phòng, khu vực làm việc gián tiếp thôi cũng đã lên đến 8 người, chưa tính gì đến những người người sản xuất chính.
Khi còn làm việc trong Nhà nước, có nhiều ý tưởng của tôi không thể áp dụng được.
Cách quản lý các trang trại theo kiểu Nhà nước gây khó khăn cho việc triển khai các ý tưởng. Không biết các ngành khác thì sao nhưng với nông nghiệp, như chăn nuôi, trồng trọt mà quản lý kiểu Nhà nước rất khó phát triển.
So với khi còn làm công chức thì ra ngoài nuôi cá, nuôi heo có khiến ông phải căng đầu hơn không?
- Căng đầu nhất là với con cá tra, cá basa là do các biến động từ thị trường mà ra. Nhức đầu lắm. Hai năm nay tình hình rất khó khăn.
Giá cả bấp bênh, vốn đầu tư ban đầu tư lại lớn. Người nuôi cá phá sản như chơi.
Chẳng hạn, nuôi cá, vốn đầu tư ban đầu phải 3 tỷ, cứ hai năm thu hoạch ba vụ.
Hiện giờ thu lời từ cá rất ít, nhiều chủ trang trại lỗ vài ba tỷ. Nuôi heo mang lại nguồn thu ổn định hơn, chỉ căng đầu nhất vào mùa dịch bệnh.
Về vốn liếng thì tôi không bị căng thẳng vì tôi chỉ làm vừa sức, vừa tầm, không ráng thêm. Tuổi này không còn có thể phiêu lưu được nữa. Tôi không cho phép mình sai lầm, mạo hiểm vì sai lầm là tôi phải quay lại từ đầu.
Vậy thật ra suốt mười năm ra làm riêng, ông đã thất bại trắng tay phen nào vì mạo hiểm chưa?
- Đến giờ này tôi cũng gặp nhiều phen thất bại trong sự nghiệp. Nhưng đa số là do khách quan.
Hồi mới nuôi cá, tôi bắt đầu với cá bống tượng. Những năm 1994, 95 nhưng mấy trăm ngàn đồng một kg. Tôi đã lấy giống về nuôi, cho đẻ rồi. Nhưng sau đó có chủ trương cấm không cho xuất khẩu, thế là coi như thất bại.
Tôi phải đổ tháo hết. Chuyển sang nuôi cá tra thịt, gặp phải vụ bán chống bán phá giá của Mỹ, bị thua lỗ.
Rồi cúm gia cầm, phải tiêu đốt đi 14 tấn thịt, Nhà nước hỗ trợ 5.000kg. Mà không có bệnh nhưng phải theo quy định chung
Rồi bão, chìm bè cá. Nuôi 8 bè, chìm 4, 80 tấn cá ra sông ra biển. Những người bạn của tôi nghe tin tôi gặp bão chìm bè mới hỏi sao bị chìm mất quá trời mà sao mặt tỉnh bơ vậy
Mặt tỉnh nhưng bụng thì không bơ được. Phải bình tĩnh, rối không làm được gì. Thần kinh phải vững.
Chọn đường đi riêng
Để có được một mô hình trang trại thành công, theo ông phải hội đủ những yếu tố gì?
- Trước tiên là tôi phải có kiến thức, có cái đầu. Khi quyết định làm gì phải tiên liệu được là sẽ đi theo hướng nào, tình huống nào, những trường hợp rủi ro nào sẽ đặt ra, để phù hợp với sức của mình, lượng khả năng của mình.
Khi làm một cái gì, phải đầu tư cho tới nơi tới chốn mới làm. Chọn con đường đi của mình, theo khả năng.
Ví dụ tôi đi theo bonsai, nhiều người cũng làm. Nhưng tôi cố gắng làm theo đúng đặc thù. Làm bonsai một cách bài bản ở Vĩnh Long chưa mấy người làm. Vì làm là phải theo bản sắc của mình.
Nuôi cá cũng vậy, thuốc thực vật thú y cũng vậy. Phải đi con đường vừa tầm và vừa sức của chính mình thì mới mong phát huy được hết.
Giả sử nếu mười năm trước không đứng ra mở trang trại thì ông sẽ thế nào?
- Làm ở Nhà nước, tính năng động không có. Trang trại Nhà nước mở ra thua xa tư nhân
Nhà nước nên làm những việc như xây dựng trung tâm kỹ thuật cao để làm ra những con giống, loại công nghệ hiện đại... đòi hỏi kỹ thuật cao cung cấp cho tỉnh, khu vực, nghiên cứu chuyên sâu. Còn bây giờ công trình nghiên cứu của ta toàn do Nhà nước nhưng không chất lượng
Cần Thơ có một số viện như Viện Lúa, có vai trò rất lớn, thúc đẩy. Về kinh doanh, sản xuất thì Nhà nước không nên làm, trì trệ lắm.