Tính đến 17 giờ ngày 30/9, nước ta đã ghi 9.058 trường hợp dương tính, 16 trường hợp tử vong. Đến thời điểm này, số bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện là 7.206 người.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự, chỉ đạo họp giao ban của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, chiều 30/9, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương ngành y tế, các Bộ, ngành, các địa phương đã nỗ lực hết mình trong thời gian qua để kiểm soát tốt dịch bệnh cúm A/H1N1, hạn chế tỷ lệ tử vong. Trên thế giới cứ 1.000 người nhiễm thì có 12 người chết, còn ở Việt Nam 1.000 ca mắc mới có 1,7 người tử vong.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế tăng cường hơn nữa việc thẩm định hệ thống các phòng xét nghiệm chẩn đoán cúm A/H1N1 trong tình hình dịch bệnh đang lan rộng, đồng thời, tăng cường năng lực điều trị nhằm hạn chế số lượng người tử vong. Bộ Y tế cần có kế hoạch tối ưu sử dụng 1 triệu liều vaccine phòng chống cúm A/H1N1 đạt hiệu quả cao nhất, trước mắt cần ưu tiên cho các cán bộ ngành y tế trực tiếp cứu chữa người bệnh cúm A/H1N1, các đối tượng nguy cơ lây nhiễm, tử vong cao do dịch bệnh...
Ngày 30/9, Việt
Về ca tử vong thứ 16, Bộ Y tế cho biết: Đây là bệnh nhân nữ, 15 tuổi, địa chỉ ấp 1, Xuân Quế, Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Bệnh nhân đang có thai con so 39 tuần. Ngày 25/9, bệnh nhân nhập bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vì khó thở, mệt nhiều. 11 giờ 30' ngày 26/9, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện Chợ Rẫy đã mời Bệnh viện Hùng Vương hội chẩn và thống nhất hướng xử trí: Tình trạng của người mẹ rất nặng, thai nhi đã đủ tháng để tiến hành chấm dứt thai kỳ. Bệnh nhân được mổ lấy con, bé gái nặng 2.700 gam đã được cứu sống. Tuy bệnh nhân đã được điều trị tích cực nhưng không qua khỏi, tử vong lúc 18 giờ 45 phút ngày 29/9. Trường hợp này, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã cho biết kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường Nguyễn Huy Nga cho biết: Dịch cúm A/H1N1 đã xuất hiện ở 58 tỉnh, thành phố của nước ta. Chỉ còn 4 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên và Lai Châu chưa phát hiện trường hợp nào dương tính. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, sử dụng vaccine phòng chống cúm A/H1N1 vẫn là một trong những biện pháp phòng dịch tốt nhất. Song, nguồn lực của tất cả các nhà máy sản xuất vaccine trên toàn cầu chỉ đáp ứng được 3 triệu liều/năm, trong khi cả thế giới có 6 tỷ người cần tiêm chủng. WHO cũng khẳng định đến nay toàn thế giới có 28 trường hợp cúm A/H1N1 kháng thuốc Tamiflu nhưng đây chỉ là những ca đơn lẻ. Nhìn chung, Tamiflu vẫn là loại thuốc điều trị kháng virus cúm A/H1N1 hiệu quả. Tuy nhiên, các quốc gia không nên sử dụng Tamiflu với mục đích dự phòng.