Ngày 3/10, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ghi nhận thêm 76 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Như vậy, tính đến 17 giờ cùng ngày, Việt Nam đã ghi nhận 9.537 trường hợp dương tính, 18 trường hợp tử vong.
Hiện 8.331 bệnh nhân đã khỏi, ra viện, các trường hợp còn lại đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Hiện nay tại 59 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã xuất hiện bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1, tình hình dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Đặc biệt, trước tình hình bão lũ xảy ra tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân, trong thời điểm dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo người dân (đặc biệt tại các khu vực có tập trung dân cư sơ tán) thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng với dịch bệnh.
** Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Từ Thanh Chương cho biết, tính đến chiều 3/10, Đồng Nai đã có 1.067 trường hợp dương tính và có biểu hiện lâm sàng điển hình cúm A/H1N1 được điều trị, trong đó, riêng số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính là 276 người, 2 trường hợp đã tử vong.
Các ca bệnh mới chủ yếu là học sinh, sinh viên của các trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, bệnh đang có chiều hướng lây lan mạnh trong cộng đồng với các cụm, chùm ca bệnh đông người mắc. Trong đó, riêng tại huyện Xuân Lộc xuất hiện 3, 4 chùm ca bệnh nghi mắc cúm A/H1N1 với số người có biểu hiện sốt, ho lên đến gần 200 người.
Hiện nay, do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tạm ngưng xét nghiệm cúm A/H1N1 nên tại Đồng Nai các trường hợp nghi nhiễm bệnh đã không còn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Vì vậy, tất cả các bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm A/H1N1 như sốt, ho, đau họng kèm theo yếu tố dịch tễ đều được điều trị bằng thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, trước tình trạng bệnh nhân mắc bệnh ngày càng nhiều, ngành y tế đang khuyến khích người dân nên điều trị bệnh tại nhà với sự giám sát của các đội điều trị lưu động. Chỉ những trường hợp có biểu hiện bệnh nặng mới cần phải tới cơ sở y tế.
Ngành y tế Đồng Nai cũng đã triển khai hai khu điều trị tập trung tại Bệnh viện lao và bệnh phổi Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, đồng thời sẽ thành lập các khu cách ly điều trị dã chiến khi cần thiết.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cũng cho biết, ngành đang khuyến khích và chỉ đạo hai đơn vị trực thuộc là Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tổ chức việc xét nghiệm PCR - xét nghiệm xác định có hay không nhiễm cúm A/H1N1 cho những bệnh nhân có yêu cầu. Hiện hai đơn vị nói trên đã chuẩn bị sẵn sàng để làm việc này. Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai khuyến cáo, với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ phát triển mạnh, trong đó có cúm A/H1N1. Do vậy, để chủ động phòng tránh, phát hiện sớm và hạn chế lây lan, mỗi người dân cần chú ý đến các biện pháp phòng bệnh và khi có biểu hiện mắc bệnh, cần thiết phải tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
** Từ khi viện Pasteur Nha Trang thông báo không còn môi trường lấy bệnh phẩm, sinh phẩm xét nghiệm virus (từ trung tuần tháng 9/2009), việc xác nhận chính xác số người nhiễm cúm A/H1N1 của tỉnh Khánh Hoà gặp nhiều khó khăn, tất cả chỉ còn dựa vào lâm sàng để chẩn đoán và điều trị theo yếu tố dịch tễ. Tình trạng này đã làm cho số người đến các bệnh viện khám và điều trị cúm A/H1N1 tăng lên nhanh chóng.
Hiện nay, hàng ngày ở Khánh Hoà có bình quân khoảng 100 người đến khám và hàng chục người điều trị cúm A/H1N1, khiến bệnh viện Đa khoa tỉnh trở nên quá tải trầm trọng. Kinh phí chậm cấp cũng là trở ngại lớn cho việc khám và điều trị dịch cúm A/H1N1 đang lây nhanh trong cộng đồng.
Thạc y khoa Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Khánh Hoà) cho biết, để đối phó với tình trạng trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của ngành y tế địa phương đã xin được sử dụng test nhanh để xác định cúm A/H1N1, triển khai khu cách ly và điều trị mới tại Bệnh viện Da liễu tỉnh. Tại đây, ngành đã chuẩn bị thêm 30 giường bệnh để thực hiện việc cách ly và điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1. Ngành y tế vừa nhận được 3 tỷ đồng trong tổng kinh phí 30 tỷ kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1. Toàn bộ kinh phí mới nhận đã được Sở Y tế mua vật tư, thiết bị, hoá chất, thuốc, chi phụ cấp cho công tác phòng chống cúm A/H1N1.
** Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết: Khoảng 4 giờ sáng 3/10, bệnh nhân N.T.T, 51 tuổi, cư ngụ Phường 8, thành phố Cà Mau nghi nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Bệnh nhân này nhập viện ngày 29/9 trong tình trạng sốt cao, ho được chẩn đoán viêm đường hô hấp và sau đó có dấu hiệu thể hiện rất rõ lây nhiễm cúm A/H1N1. Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm.
Trước đó, bệnh nhân N.T.T, 47 tuổi cư ngụ xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân (Cà Mau) nghi nhiễm cúm A/H1N1 tử vong đêm 1/10 tại Bệnh viện đa khoa huyện Trần Văn Thời, đã có kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh trả lời ngày 2/10 dương tính với cúm A/H1N1.
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 600 trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 và 45 ca được xác định dương tính. Theo Sở Y tế Cà Mau, tình hình dịch bệnh cúm A/H1N1 hiện diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, nhưng điểm lại công tác phòng dịch và điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm thời gian qua còn nhiều bất cập. Đó là việc điều trị bệnh của các bệnh viện đa khoa khu vực ở huyện gặp nhiều khó khăn do phòng khám, thiết bị, đội ngũ bác sĩ, khu vực cách ly chưa đáp ứng nhu cầu, cơ sở hạ tầng bệnh viện xuống cấp; khâu giám sát, sàng lọc bệnh chưa tốt, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, dập tắt ổ dịch chưa đúng kỹ thuật...
Hiện, Sở Y tế Cà Mau chỉ đạo cho các bệnh viện tỉnh, huyện và thành phố tổ chức phòng khám riêng cho những ca có triệu chứng bị cúm A/H1N1, cách ly và điều trị ngay các trường hợp có dấu hiệu thể hiện rõ bị lây nhiễm bệnh này, nhất là ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống đến tận hộ gia đình, xử lý triệt để các ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
** Theo báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bạc Liêu, trong ngày 3/10, trên địa bàn nghi nhận thêm 11 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Trong đó có đến 10 mẫu dương tính cùng 1 điểm trường tại thị xã Bạc Liêu và 1 trường hợp là sinh viên đang học tại thành phố Hồ Chí Minh, phát hiện bệnh khi về thăm nhà. Như vậy, đến thời điểm này toàn tỉnh có 24 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.
Hiện nay, dịch bệnh cúm A/H1N1 có chiều hướng lan nhanh tại các điểm trường trong tỉnh, nhất là tại thị xã Bạc Liêu có 2 trường có học sinh dương tính với cúm A. Ngày 3/10 tỉnh Bạc Liêu quyết định tạm đóng cửa trường THPT Bạc Liêu. Tại trường này, ngoài 10 học sinh dương tính với cúm A, còn hàng chục học sinh có các triệu chứng nhiễm bệnh.
Điều đáng lo ngại là do thị xã Bạc Liêu tập trung rất nhiều cơ sở y tế tư nhân, vì vậy, mỗi khi có biểu hiện bệnh, người dân thường tìm đến những phòng mạch tư, nhưng không phải phòng mạch tư nhân nào cũng khám sàng lọc để xác định bệnh nhân có nhiễm cúm A/H1N1 hay không. Nếu người bệnh bị nhiễm cúm A/H1N1 cũng không biết, vẫn được các bác sĩ tại phòng mạch cho thuốc điều trị cúm thông thường. Đây chính là nguồn lây bệnh "di động" nguy hiểm đối với cộng đồng.