Một cuộc đời nhiều kỳ tích

14:26, 27/08/2010

Là xạ thủ bắn B40 “bách bắn, bách trúng” đã trực tiếp cùng đồng đội phá huỷ nhiều xe tăng, xe bọc thép, các đồn, chốt, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm quân địch. Đó là đôi nét phác hoạ chân dung về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ( LLVTND) Trần Xuân Thiện, hiện đang sống tại xóm Cọ Một, xã Phấn Mễ, huyện phú Lương. Ông cũng vinh dự được đứng trong hàng ngũ 1000 Anh hùng và Bà mẹ Việt  Nam anh hùng thời kỳ đổi mới về tham dự Chương trình “Thăng Long - Hồn thiêng sông núi” nhân “Một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”.

 

Người anh hùng giữa cuộc sống đời thường

 

Sinh trưởng trong một gia đình cả bố và mẹ đều là đảng viên, ý thức cách mạng trong anh thanh niên Trần Xuân Thiện có từ rất sớm. Tháng 9 năm 1972, khi vừa tròn mười tám tuổi, anh tình nguyện vào quân ngũ, thuộc quân số của đơn vị C1 Tiểu đoàn 76 rồi cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam. Đến Tây Nguyên anh được phân công về đơn vị C3, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Ở đây, anh đã tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ và liên tiếp lập được nhiều chiến công, và trở thành anh hùng.

 

 Giờ đã về nghỉ hưu người cựu chiến binh thôn Cọ Một lại miệt mài với công việc gia đình. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp anh lại là một lão nông cần cù, chất phác. Đang chăm chút cho mấy thùng ong ngoài vườn, thấy có khách lạ anh ngừng tay hỏi rồi mời tôi vào nhà. Tôi đề nghị anh cứ tiếp tục công việc, vừa làm vừa nói chuyện nhân tiện để tôi được ngắm kĩ hơn khu vườn được chăm sóc công phu đó. Đứng trước khu vuờn trồng chè rộng chừng 3 đến 4 sào có trồng xen nhiều cây ăn quả, anh chia sẻ:

 

“Con cái ở riêng hết rồi, nhà chỉ còn 2 vợ chồng già. Ngoài 8 sào ruộng cấy và 3 sào màu tôi tranh thủ trồng thêm ít cây ăn quả gọi là mùa nào thức ấy để mỗi khi các cháu về có cái ăn. Trong chuồng lợn lúc nào cũng có trên chục con, thả thêm năm, sáu chục con gà, vài đôi chim bồ câu, mấy lồng chim cảnh, gọi là để tận dụng nông sản mình làm ra, tăng thêm chút thu nhập và cũng là để vui chân vui tay”. Thấy tôi thắc mắc “Chỉ có hai ông bà thôi sao làm nhiều vậy?” anh cười: “mình là dân lính làm quen rồi, chân tay mà nhàn rỗi nó cứ thế nào ấy”.

 

Tôi nói muốn nghe anh kể chuyện của người Anh hùng LLVTND, anh cười khiêm tốn: “Có gì đâu, lúc ấy chiến tranh tôi cũng như bao thanh niên thời đó chỉ nghĩ một điều là làm sao để giải phóng đất nước mà thôi.”.

 

Bắt 90 tên địch ra hàng chỉ bằng võ “nghi binh”

 

Rồi anh kể cho tôi nghe một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

 

Hôm đó đơn vị nhận được lệnh cắt rừng chặn đánh địch ở đường 7 Cheo Reo, đội hình được chia làm 2 tuyến, anh ở tuyến sau làm nhiệm vụ dự bị tiểu đoàn. Ở tuyến trên gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch nhiều người bị thương nặng. Nhận được lệnh anh cùng 5 chiến sĩ khác được bổ sung lên thay thế. Trên đường di chuyển ra trận địa, anh và đồng đội vấp phải một liên đoàn biệt động của giặc. Thoạt đầu là một cụm gồm 13 xe tăng và xe bọc thép. Trong tay 6 người lính lúc này chỉ có 2 khẩu AK. Đúng lúc đó có 2 đồng chí ở đơn vị khác đi qua các anh đề nghị và được giao lại một khẩu B40 và hai quả đạn. Ngay lập tức anh đưa phương án chia đội ra làm 3 mũi tấn công, ở mũi chính diện có anh và chiến sĩ Nguyễn Văn Sộp, 4 người còn lại chia làm 2 mũi đi về 2 bên như hình cánh cung, nhằm tạo thế bao vây địch.

 

Phân công nhiệm vụ xong các mũi quân bắt đầu di chuyển. Khi còn cách đoàn xe của giặc không xa, nhằm xe chỉ huy anh bắn quả B40 đầu tiên, xe giặc bốc cháy, đội hình giặc rối loạn. Tận dụng cơ hội, mũi chính vừa áp sát xe, vừa gọi hàng, 2 cánh còn lại thì làm nhiệm vụ bắn nghi binh. Nhân lúc địch còn chưa kịp định hình lực lượng của ta mũi tấn tiến công của anh đã nhanh chóng tiếp quản cả cụm xe và chiêu hàng địch. Ngay sau đó lại một đội xe thứ hai xuất hiện, gồm 12 chiếc cả xe tăng và xe bọc thép. Nếu để chúng phát hiện phía ta chỉ có 6 người  chắc chắn sẽ bị chúng bắt sống hoặc tiêu diệt. Suy nghĩ nhanh trong đầu rồi anh nhảy lên xe bọc thép M113, trên xe có súng, đại liên và vô số đạn, anh lấy súng máy bắn xối xả vào đoàn xe, hết 2 thùng đạn (150 viên/1 thùng) khi đến thùng thứ 3 đoàn xe địch còn cách khoảng 150m anh quyết định bắn nốt quả B40 còn lại, thêm một xe bốc cháy. Bằng sự mưu trí, gan dạ một mình anh lên phía trước gọi hàng, phía sau đồng đội chốc chốc lại bắn nghi binh. Quân giặc hoang mang, tưởng gặp mai phục bỏ xe chạy nháo nhác. Thừa cơ anh liên tục hô to: “Hàng thì sống, chống thì chết”, làm quân địch hoàn toàn mất phương hướng, cứ như vậy anh và đồng đội đã làm chủ hoàn toàn hai cụm xe, bắn cháy tất cả 4 xe tăng, 2 xe bọc thép, bắt sống 90 tù binh, thu toàn bộ số xe còn lại và đầy 2 xe súng (khoảng 300 khẩu).

 

Một ngày bắn 18 quả B40 trúng đích!

 

Lật dở từng trang ký ức mọi thứ cứ lần lượt trở về vẹn nguyên trong anh. Trong trận truy quét tàn quân địch ở Củng Sơn (tỉnh Phú Yên), anh giữ chức vụ trung đội phó (cả trung đội lúc này chỉ có 17 người). Mặc dù gặp pháo địch bắn trả dữ dội nhưng nhờ biết lợi dụng địa hình đơn vị đã tiến sâu được vào và làm chủ Củng Sơn. Lúc này Trung đội được chia làm 2 tiểu đội truy quét địch. 67 tù binh đã bị bắt, tiểu đội của anh phụ trách đã bắt được 45 tên và thu nhiều súng đạn.

 

Để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị rút theo đường 14 đến khu vực Bến Cát (tỉnh Bình Dương) Ngày 22/4 anh được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ làm Trung đội trưởng, lúc ấy anh vẫn đang là binh nhất. Năm ngày sau, ngày 27/4 được phong hàm Thượng sĩ.

 

 Rạng sáng ngày 29/4/1975 đơn vị anh nổ súng trận đầu tiên tại khu vực Cầu Sáng đường 5 vào quận Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Nhiệm vụ đặt ra là phải diệt được 2 lô cốt bên cầu của địch. Một đội đặc công được phân công đánh cường tập nhưng vẫn không thông được cầu vì địch bắn trả ác liệt. Ở tuyến sau thấy đồng đội bị khiêng ra quá nhiều, anh xin đại đội cho dẫn một tiểu đội lên chi viện, xong anh xung phong đi trước để giữ tinh thần cho anh em. Tiến đến khoảng cách hợp lý anh bắn chính xác hai quả B40 tiêu diệt hoàn toàn hai hoả điểm quan trọng của chúng, cầu được thông. Trung đội tiến sâu vào quận Hóc Môn, dọc đường không ít lần gặp đạn cối của địch, trung đội trưởng Trần Xuân Thiện đã bình tĩnh chỉ huy anh em tiến sâu vào lòng địch. Khi phát hiện ra quân ta ít chúng bắn xối xả hòng xoá sổ đội hình, mưu trí anh triển khai đội hình men theo tuờng nhà dân, nhờ vậy mà tuy không tương quan về lực lượng, địch nhiều ta ít nhưng đã hạn chế được thương vong, đồng thời tiêu diệt gọn 5 mục tiêu tạo điều kiện cho đại đội và tiểu đoàn hoàn thành nhiệm vụ, góp phần mở cửa phía tây bắc Sài Gòn.

 

 Là một xạ thủ có kinh nghiệm, chỉ tính trong ngày 29/4/1975 Thượng sĩ Trần Xuân Thiện đã bắn tất cả 18 quả đạn B40 trúng đích cả 18. Trung đội của anh là một trong những đơn vị tiên phong tiến vào giải phóng quận Hóc Môn.

 

 Chỉ tính riêng trong năm 1975 anh đã tham gia 11 trận đánh lớn nhỏ, những quả đạn B40 bắn ra chưa bao giờ lạc đích. Thành quả đó đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta làm nên chiến thắng mùa xuân 1975 lịch sử. Với những chiến công hiển hách đó ngày 6/11/1978 anh vinh dự được chủ tịch nước CHXHCNVN tặng danh hiệu cao quý AHLLVTND.

           

Chiến tranh kết thúc, anh tiếp tục công việc của một người lính thời bình, học tập và tham gia công tác với vị trí trợ lý tác chiến BCH Quân sự huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Năm 1989 sau hơn 17 năm phục vụ trong quân ngũ anh phục viên. Chưa vội nghỉ ngơi, phát huy phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ anh tiếp tục tham gia công tác ở địa phương và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù ở bất kỳ cương vị nào. Trong quá trình chiến đấu, học tập và công tác nơi quân ngũ anh đã được tặng thưởng: danh hiệu Anh hùng LLVTND; 2 Huân chương Chiến công hạng Hai và Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; 4 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng; 1 danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới cấp ưu tú; 1 Huy chương Chiến sĩ giải phóng và 3 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua./.