Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trách nhiệm của cả cộng đồng

08:39, 18/09/2010

Thiên nhiên ưu đãi tạo cho đất nước, quê hương những dòng sông, cánh rừng hiền hòa - nguồn tài nguyên phong phú, gắn bó mật thiết với đời sống kinh tế - văn hóa của nhân dân. Những dòng sông đã đi vào lịch sử, vào thơ ca, trong đó sông Cầu - Dòng sông trải dài qua 7 tỉnh Bắc Bộ đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong hệ thống sông ngòi Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế và gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của cả vùng rộng lớn.

 

Tìm về nguồn cội lịch sử, sông Cầu còn có tên sông Như Nguyệt. Con sông không chỉ mang lại nền văn hóa sông nước, tạo nên mùa màng tốt tươi, sự trù phú, no ấm cho nhân dân mà còn chứng kiến những cuộc chiến oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc: Vị tướng trẻ tài ba Trần Quốc Toản, với lá cờ thêu sáu chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” đầy nhiệt huyết với đất nước đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc chiến với giặc Nguyên bên dòng Như Nguyệt năm xưa. Từ nơi khởi nguồn Bắc Kạn, Như Nguyệt đổ vào Thái Nguyên - Mảnh đất hiền hòa giữa núi rừng Việt Bắc-nơi Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã chọn là Thủ đô kháng chiến với “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Bác đã sống, làm việc dưới những tán rừng, hang động của Chiến khu Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái. Thời gian ấy, dấu chân Bác đã nhiều lần vượt qua những con suối đầu nguồn, tiền thân chi lưu của dòng Như Nguyệt để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

 

Sông Cầu đã làm nên nét văn hóa đặc trưng của vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng Bắc Bộ; là con sông quan trọng trong hệ thống sông Thái Bình và là huyết mạch giao thông đường thủy gắn kết kinh tế - văn hóa giữa các địa phương. Lưu vực sông Cầu là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt, đa dạng và phong phú về tài nguyên cũng như về lịch sử phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh trong lưu vực của nó. Lưu vực sông Cầu hằng năm cung cấp hàng trăm triệu mét khối nước để phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân và có chức năng giữ cân bằng hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên toàn khu vực…

 

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên phát triển kinh tế, lưu vực sông Cầu đang bị đe dọa do tác động của tự nhiên và của con người. Qua số liệu điều tra của các cơ quan chuyên môn và nhà khoa học cho thấy lượng nước lưu vực sông Cầu đang có chiều hướng suy giảm, lũ lụt với cường độ lớn và tần suất cao, bồi lấp dòng sông và biến đổi dòng chảy diễn ra khá mạnh mẽ; cảnh quan sinh thái, thiên nhiên bị biến đổi, các nguồn lợi thủy sản có nguy cơ bị cạn kiệt, những nét đẹp văn gắn với truyền thống và bẳn sắc các dân tộc bị mai một, đặc biệt chất lượng nguồn nước sông Cầu đang có diễn biến khá phức tạp, nhất là khu vực hạ lưu sông Cầu do ô nhiễm từ các làng nghề, các khu công nghiệp, các đô thị, từ khai thác khoáng sản, các hoạt động sản xuất nông nghiệp...

 

Với vị trí và tầm quan trọng của sông Cầu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu tại Quyết định số 174/2006-QĐ/TTg. Mục tiêu của Đề án là giải quyết tổng thể ô nhiễm môi trường nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các địa phương trên lưu vực sông và toàn quốc. Theo đó, Chính phủ đã chính thức thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, gồm 14 thành viên. Chủ tịch Ủy ban sông Cầu là Chủ tịch UBND một trong sáu tỉnh thuộc lưu vực, đảm nhiệm luân phiên, nhiệm kỳ đầu của Chủ tịch Ủy ban giao cho đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đảm nhiệm với thời gian là 3 năm, các nhiệm kỳ tiếp theo là 2 năm.

 

Qua 3 năm hoạt động, với tư cách là Chủ tịch nhiệm kỳ đầu - Thái Nguyên đã cùng các thành viên trong Ủy ban có nhiều nỗ lực trong hoạt động: Ổn định tổ chức bộ máy, thành lập văn phòng của Ủy ban Sông Cầu (UBSC), ban hành quy chế làm việc hoạt động giúp việc cho UBSC, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động hàng năm triển khai thực hiện đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt. Ở cấp tỉnh thống nhất phân công người chịu trách nhiệm và bộ phận giúp việc cho chủ tịch UBND tỉnh là thành viên của UBSC; xây dựng cơ chế chính sách tham mưu trình Chính phủ, ban hành danh mục các dự án ưu tiên; tập trung chỉ đạo xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm; kiểm soát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng trong lưu vực; thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu… Mỗi năm UBSC họp 2 phiên chính thức không kể hội nghị chuyên đề, kiểm điểm 6 tháng, một năm và xây dựng chương trình hoạt động làm việc cho năm sau và phiên họp tiếp theo... Từ đó đã gắn kết trách nhiệm bảo vệ môi trường lưu vực với các địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, người dân, của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ dòng sông quê hương. Sông Cầu được bảo vệ không chỉ đem lại nguồn lợi môi trường, mà nhiều địa phương trong lưu vực đã xây dựng nhiều đề án, dự án phát triển kinh tế khai thác vẻ đẹp ven sông, tạo dựng những đô thị hiện đại, nếp sống văn minh hai bên bờ sông. Huy động các nguồn lực xã hội của nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước và người dân tham gia bảo vệ dòng sông quê hương, đặc biệt là sự phối hợp của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tỉnh đoàn thanh niên các tỉnh đã tổ chức nhiều việc làm thanh niên tình nguyện vì dòng sông quê hương, tuyên truyền quảng bá tập huấn môi trường góp phần cùng với UBSC nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội với sự biến đổi khí hậu và nạn lũ lụt hàng năm do thiên tai gây ra...

 

Có thể khẳng định việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu là việc làm thường xuyên và trách nhiệm của cả cộng đồng và tỉnh Thái Nguyên được giao đảm nhiệm Chủ tịch UBSC nhiệm kỳ đầu đã luôn phát huy dân chủ, tranh thủ sự đồng tình của các Bộ, ngành Trung ương, nhân dân các địa phương các tỉnh để cụ thể hóa Đề án được Thủ tướng Chính phê duyệt làm cho dòng hiền hòa thêm thơ mộng góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, khu vực và cả nước. Phiên họp lần này với chủ đề “Doanh nghiệp, Doanh nhân với dòng Sông Cầu Việt Nam trong hội nhập” và thông qua chương trình chuẩn bị nội dung cho phiên họp cuối năm tổng kết và chuyển giao cương vị Chủ tịch UBSC cho tỉnh Bắc Kạn. Với truyền thống văn hóa và thành tích đạt được, cùng với ý thức trách nhiệm cao của cả cộng đồng xã hội với môi trường, tôi tin tưởng rằng dòng Như Nguyệt sẽ tiếp tục là nét chấm phá tô thêm vẻ đẹp cho quê hương đất nước, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ viết về dòng Sông Cầu Việt Nam trong nền văn học, thơ ca Việt Nam, ngày nay trong hội nhập chắc chắn dòng sông sẽ mang lại nhiều nguồn lợi cho đất nước và con người…