Đó là câu chuyện của anh Đinh Văn Lực, ở xóm 10, xã Hùng Sơn (Đại Từ), một người đàn ông có quá khứ 12 năm nghiện ma túy nhưng nay đã vươn lên đoạn tuyệt với ma túy, có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Anh Lực sinh năm 1960 trong một gia đình nông dân nghèo ở Đại Từ. Mong muốn đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, anh đã bị cuốn vào vòng xoáy đi đào đãi vàng trong những năm 1980. Anh lang thang khắp các vùng như Na Rì (Bắc Kạn), Ma Nu (Cao Bằng) để khai thác vàng, quặng. Khi kiếm được chút tiền từ việc đào vàng, sống xa nhà, lại không làm chủ được bản thân, anh đã sa vào con đường nghiện hút và trở thành “nô lệ” của nàng tiên nâu. Đó là năm 1986.
Lúc này, cuộc sống của anh phụ thuộc hoàn toàn vào “thuốc”, không màng đến lao động, sức khỏe suy sụp, số vàng làm ra không đủ để hút hít, chưa nói gì đến giúp đỡ vợ con. Anh Lực ngậm ngùi nhớ lại: “12 năm nghiện ngập, tôi lang thang đi hết nơi này đến nơi khác tìm vàng để hút hít, không có tiền gửi về nhà cho vợ con. Có khi ba, bốn năm mới về nhà, đến mức nhận lầm cả con mình. Đau xót lắm!”. Rồi Anh nhắc tới vợ - chị Liên - người đã chịu bao cơ cực khi chồng nghiện ngập. Thời gian đó một mình chị phải lo toan cuộc sống gia đình, tần tảo sớm khuya làm ruộng nuôi 2 con thơ dại.
Nhìn cảnh vợ gầy yếu, 2 đứa con nheo nhóc, xấu hổ vì cha, năm 1998, anh Lực quyết định trở về sum họp bên gia đình và quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời. Anh đã tự xích mình lại, chống chịu những lần vật vã “lên cơn đói thuốc”, đau buốt tận xương tủy. Chính tình yêu thương, sự chăm sóc của vợ con, anh em trong gia đình, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và bà con trong xóm giúp đỡ đã tạo thêm động lực cho anh vượt qua tất cả. Sau nửa năm anh đã cai nghiện thành công. Cũng từ đây cuộc đời anh bước sang trang mới. Gạt bỏ quá khứ lỗi lầm, anh chăm chỉ làm ăn. Ban đầu, anh cùng vợ con đóng gạch, nung và đem bán lấy tiền xây nhà. Anh tâm sự: “Sau bao nhiêu năm nghiện ngập, cuối cùng tôi cũng đã xây được cho vợ con mình một ngôi nhà”. Có lẽ từ sâu thẳm trong suy nghĩ của anh đó là ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, mái nhà ấy không chỉ là nơi che mưa che nắng cho gia đình mà còn là minh chứng cụ thể cho thấy quyết tâm làm lại cuộc đời của anh.
Ngoài làm nông nghiệp, gia đình anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư sản xuất mì gạo để cung cấp cho các cửa hàng tại Đại Từ và địa bàn lân cận. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn, gà, vịt để tăng thêm thu nhập. Là người vốn chăm chỉ, cần cù, lúc nông nhàn anh còn tranh thủ cùng với anh em trong xóm đi phụ hồ quanh vùng, tiền công 120 nghìn đồng/ngày. Đến nay, gia đình anh đã mua được nhiều đồ dùng tiện nghi, cuộc sống đã hoàn toàn khác trước. Anh Lực chia sẻ: “Để bù đắp cho vợ con, việc gì tôi cũng sẵn sàng làm. Điều làm cho tôi hạnh phúc nhất đó là con cái mình đã trưởng thành học hành đến nơi đến chốn”. Anh có hai người con: Con trai cả đã lập gia đình, đang làm công nhân ở Đông Anh, Hà Nội; con trai thứ hai đang là sinh viên năm thứ ba Khoa điện, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.
Ông Lê Duy Phúc, Bí thư Chi bộ xóm 10, xã Hùng Sơn đánh giá: “Anh Lực là một người có nghị lực và quyết tâm vươn lên. Tại địa phương không có mấy người mắc nghiện mà cai nghiện được rồi làm lại cuộc đời như anh ấy. Anh Lực luôn có mối quan hệ thân tình với bà con trong xóm, được mọi người quý trọng”. Từ năm 2002 đến nay, năm nào gia đình anh cũng được công nhận là gia đình văn hóa.