Trên 11 nghìn người dân của 8 xã vùng bán ngập lòng hồ Núi Cốc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, đất sản xuất thường xuyên bị ngập nước hồ từ 4 đến 6 tháng/năm khiến diện tích bị thu hẹp, tình trạng thiếu ăn diễn ra thường xuyên. Hiện, người dân ở đây đang mong chờ Dự án đầu tư di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc sẽ được Chính phủ phê duyệt…
Khi đó những khó khăn của người dân sẽ cơ bản được giải quyết. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Dự án với tổng số vốn gần 287 tỷ đồng này sau khi được UBND tỉnh hoàn thiện và trình duyệt, Chính phủ đã giao cho một số bộ, ngành liên quan nghiên cứu và tham mưu thực hiện
Từ sự trở lại…
Năm 1971, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thiết kế xây dựng công trình đại thủy nông Hồ Núi Cốc bao gồm 1 đập chính, 7 đập phụ, 2 tràn xả lũ, mực nước lũ theo thiết kế ở cao trình 48,25m, mực nước dâng bình thường ở cao trình 46,2m. Thời điểm đó, gần 1.000 hộ dân thuộc các xã sống trong vùng lòng hồ đã di dời nhà cửa để bàn giao mặt bằng, chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, từ khi công trình bắt đầu trữ nước thì mực nước chỉ giữ ở cao trình 42,6m. Chính vì vậy, nhiều người dân đã tái sử dụng lại diện tích bán ngập. Đến cuối năm 2000, Chính phủ tiếp tục đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng tràn xả lũ số 2, nâng mực nước dự trữ lên đúng thiết kế là 46,2m. Vì vậy, số nhà cửa và ruộng đất của các hộ sống trong vùng bán ngập trước đây nay đã bị ngập hoàn toàn vào thời gian dự trữ nước của Hồ Núi Cốc.
Theo thống kê của các ngành chức năng đến hết tháng 3/2010, từ cao trình 48,25m trở xuống có 2.682 hộ sử dụng đất bán ngập với 11.553 khẩu bị ảnh hưởng, sống ở 8 xã là Hùng Sơn, Bình Thuận, Tân Thái, Lục Ba, Vạn Thọ (huyện Đại Từ), Phúc Tân (huyện Phổ Yên), Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên). Trong đó có 176 hộ nhà ở bị ngập thường xuyên (ở dưới cao trình 46,2m); 537 hộ có nhà ở bị ngập 15 đến 20 ngày/năm (ở từ cao trình 46,2m đến cao trình 48,25m); 1.969 hộ bị ngập 30-40% đất sản xuất.
Nhọc nhằn mưu sinh
Hiện, hầu hết các hộ dân trong vùng bán ngập lòng hồ Núi Cốc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nước hồ thường xuyên ngập đến cao trình 46,2m từ 4 đến 6 tháng/năm khiến diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, bình quân diện tích đất lúa còn lại chỉ đạt 1.080m2/hộ. Trong đó 1/3 diện tích nằm ở vùng bán ngập, chỉ sản xuất được vụ xuân nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Không có, hoặc có ít ruộng đất canh tác, người dân chỉ biết trông chờ vào nghề đánh bắt trai trai, ốc ở ven hồ; đi làm thuê ở vùng khác; kiếm củi; trồng chè; chăn nuôi... thế nhưng vẫn không thoát khỏi sự bấp bênh của đời sống.
Anh Nguyễn Bá Ngọc, một người làm nghề đánh bắt cá lâu năm trên Hồ Núi Cốc cho biết, kể từ khi quy định cấm đánh bắt cá trên Hồ Núi Cốc có hiệu lực, đời sống những người làm nghề như anh trở nên khó khăn hơn. Hiện tại, các anh phải chuyển hoàn toàn sang bắt trai trai trên Hồ với mức thu nhập chỉ bằng 1 nửa trước đây. 1 ngày làm việc của những ngư dân bắt đầu từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Thức suốt đêm để lặn xuống hồ dưới độ sâu từ 3 đến 7m để bắt trai trai nhưng thu nhập trung bình của họ cũng chỉ vào khoảng 50 nghìn đồng/ngày, cuộc sống vẫn chật vật. Đấy là những người có tiền đầu tư thuyền, còn không có tiền đầu tư thì người dân phải bắt trai trai ốc, hến ven bờ, mỗi ngày được từ 10 đến 15 nghìn đồng, chỉ đủ để đong gạo. Những hộ làm nghề kiếm củi đời sống cũng hết sức khó khăn. Ông Trần Đình Cường, trưởng xóm 10, xã Vạn Thọ cho biết: Rừng bị thu hẹp, lại nhiều người đi kiếm, nên củi cũng chẳng còn. Túng quẫn, một số người đã từng chặt phá rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc để lấy củi.
Xã Vạn Thọ huyện Đại Từ là xã có số ruộng bị ngập nhiều nhất, toàn xã có 870 hộ thì có tới 257 hộ nghèo. 4 xóm (xóm 7, 8, 9, 10) có tỷ lệ hộ nghèo rất cao chiếm tới 70%. Bình quân lương thực của vùng lòng hồ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chỉ đạt từ 160-190kg/người/năm, tình trạng thiếu ăn diễn ra thường xuyên. Thu nhập bình quân các xã trong vùng (năm 2009) rất thấp, ví dụ: xã Bình Thuận 5,8 triệu đồng/người, Vạn Thọ 6,2 triệu đồng/người, Lục Ba 8,7 triệu đồng/người, Phúc Tân 6,5 triệu đồng/người.
Ông Trần Đình Cường cho biết, mưu sinh vất vả vậy, nhưng sự ở còn vất vả hơn. Mùa nước lên, nhà bị ngập, người dân phải đi ở nhờ. Những hộ không nhờ được ai thì đành ở lại. Sáng ngủ dậy bước chân xuống thuyền luôn. Nước sạch phải đi xin, thậm chí đi nấu cơm nhờ rồi dùng thuyền chở về nhà để ăn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của vùng bán ngập này cũng không được đầu tư trong nhiều năm. Hiện nay 98,36% đường thôn xóm là đường đất đã xuống cấp; 472 hộ không được dùng điện lưới (chiếm 4,5% tổng số hộ); số hộ dùng nước giếng khoan chỉ chiếm 25%. Mùa mưa, nhiều thôn trong vùng bị chia cắt về giao thông 10 đến 15 ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học hành của con em nhân dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường sau những đợt ngập úng cũng rất nghiêm trọng, các bệnh về tiêu hoá và bệnh ngoài da rất phổ biến trong thời gian sau ngập.
Dự án được người dân mong chờ
Dự án đầu tư di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc của tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 287 tỷ đồng từ nguồn ngân sách có mục tiêu là lập phương án bố trí, ổn định dân cư vùng bị ảnh hưởng trên cơ sở quy hoạch lại sản xuất vùng bán ngập và hỗ trợ các công trình cơ sở hạ tầng (CSHT) thiết yếu. Dự kiến, giai đoạn 2011-2012, Dự án bố trí ổn định chỗ ở và sản xuất cho 713 hộ. Giai đoạn 2013-2015, Dự án tiếp tục hỗ trợ hạ tầng và sản xuất để ổn định tại chỗ cho 1.969 hộ.
Khi Dự án được thực hiện, 362 hộ sẽ được di chuyển tái định cư, trong đó 176 hộ bị ngập nhà (dưới cao trình 46,2m) và 186 hộ bị bán ngập (nằm giữa cao trình 46,2m đến 48,25m). 2.320 hộ sẽ được ổn định tại chỗ. Dự án thực hiện lại quy hoạch sản xuất, khai thác thế mạnh của vùng về thuỷ sản, quy hoạch thêm 108,9ha mặt nước đưa vào nuôi trồng thuỷ sản (phương án 1) hoặc quy hoạch thêm 92ha đất lúa sản xuất bấp bênh sang nuôi trồng thuỷ sản (phương án 2), thu hút khoảng 1.000-1.200 lao động chuyên nuôi trồng thuỷ sản. Áp dụng phương thức nuôi thả thâm canh để tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, tạo tiền đề hình thành cơ sở chế biến thuỷ sản tại chỗ. Dự án cũng chủ trương tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để lên men làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc tập trung; thành lập các tổ hoặc HTX sản xuất, chế biến nấm rơm... Dự kiến đến năm 2015, thu nhập của người dân vùng Dự án tăng 1,5 lần so với hiện nay. Điều kiện sống, đặc biệt là giao thông, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, vệ sinh môi trường sẽ được cải thiện rõ rệt.
Phương án trên được đa số người dân vùng lòng hồ ủng hộ, người dân ở đây đều muốn được đền bù, tái định cư hoặc được Nhà nước hỗ trợ xây dựng CSHT, ổn định đời sống tại chỗ để có thể an cư lạc nghiệp. Anh Nguyễn Bá Hợp, xóm 10, xã Vạn Thọ (Đại Từ) đã có 20 năm làm nghề đánh cá trên hồ tha thiết muốn được đền bù và được tái định cư. Anh cho biết, gia đình anh không đủ ăn, lại nơm nớp lo sợ vì mưa, bão, rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Còn anh Nguyễn Bá Ngọc thì mong sẽ được tiếp tục nghề cá qua hợp phần quy hoạch phát triển vùng đánh bắt cá. Gia đình anh Đặng Văn Dũng xóm Dộc Lầy (Phúc Xuân) có 4 sào chè, 1 mẫu ruộng bị ngập, năm 2009, mưa lớn nước hồ dâng cao, làm mất gần 5 tạ cá ao chưa kịp thu hoạch, mất trắng cả vốn liếng. Gia đình anh cũng tha thiết mong mỏi dự án được thực hiện, để có vốn chuyển sang nghề khác để ổn định cuộc sống....
Đồng chí Đặng Viết Thuần cho rằng đây là một dự án có tính khả thi cao và phù hợp với lòng dân. Với Dự án này, quyền sử dụng đất bán ngập vùng lòng hồ cũng sẽ được thiết lập. Việc tái lấn chiếm vùng bán ngập lòng hồ Núi Cốc như đã từng xảy ra từ năm 1980 sẽ không xảy ra. Công trình thủy nông lớn nhất tỉnh Thái Nguyên sẽ không bị xâm phạm và hoàn thành nhiệm vụ tầm cỡ quốc gia về phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống lũ và cắt lũ cho vùng hạ lưu Sông Công; cấp nước cho các khu công nghiệp và nước sinh hoạt cho hàng chục vạn người dân T.P Thái Nguyên và T.X Sông Công. Ngoài ra còn có thể phát triển hơn nữa du lịch, nuôi thả thủy sản, phát triển thủy điện, bảo vệ môi trường sinh thái...