Hiện nay, Thái Nguyên có trên 430 nghìn phụ nữ sống ở nông thôn, chiếm 37% dân số toàn tỉnh. Do vậy, những năm qua, công tác dạy nghề cho phụ nữ nông thôn luôn được các cấp, ngành quan tâm. Việc dạy nghề đã giúp cho phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới...
Ông Phan Văn Bình, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Mỗi năm, nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh đầu tư cho công tác dạy nghề từ 3 đến 4 tỷ đồng. Tỷ lệ học viên là nữ được đào tạo tại các trung tâm dạy nghề của tỉnh luôn đạt trên 40%. Riêng năm 2009, trên 14 nghìn lao động được đào tạo tại các trung tâm dạy nghề, trong đó học viên nữ chiếm trên 42%, tương đương với gần 6.000 người.
Trung tâm Dạy nghề 20-10, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, đơn vị đi đầu trong công tác dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, mỗi năm đã đào tạo và tập huấn được trên 5.000 lượt phụ nữ tại các địa phương thông qua nhiều hình thức khác nhau như: đào tạo trực tiếp tại trung tâm, lồng ghép vào các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, sinh hoạt hội, liên kết với các địa phương mở các lớp đào tạo tại chỗ; giới thiệu trên 300 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty May Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Phúc Dương… Không chỉ đào tạo nghề phi nông nghiệp, các lớp dạy nghề như kỹ thuật trồng rau an toàn, mây tre đan, kỹ thuật chăn nuôi,… cũng được thường xuyên tổ chức giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh hoạt động của các trung tâm dạy nghề, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng đã mở các lớp dạy may công nghiệp, từ năm 2005 - 2009, mỗi năm đào tạo khoảng 2.000 học viên, chủ yếu là phụ nữ ở nông thôn. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các chị em được nhận vào làm ngay tại Công ty với thu nhập ổn định.
Đi cùng đoàn công tác của Trung tâm Dạy nghề 20-10 về dự buổi tổng kết và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho các học viên lớp may công nghiệp thuộc diện chính sách - xã hội tại xã Bình Thành (Định Hóa), chúng tôi mới cảm nhận hết được niềm vui của chị em khi được dạy nghề và giới thiệu việc làm. Với kết quả 70% tốt nghiệp khóa học đạt loại khá, giỏi, chị em đã được tư vấn và giới thiệu việc làm tại các công ty trong và ngoài tỉnh. Em Trương Thị Biển, sinh năm 1991, một học viên của lớp chia sẻ: Em được Trung tâm giới thiệu việc làm tại Công ty May Thái Nguyên với mức lương khởi điểm 1,5 triệu đồng/tháng. Sống ở vùng quê còn nghèo khó như Bình Thành, có được công việc như vậy là niềm vui của cả gia đình em.
Cùng với dạy nghề cho chị em phụ nữ nông thôn, Hội LHPN tỉnh cũng đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách – Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, giúp chị em vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Năm 2009, với trên 400 tỷ đồng hỗ trợ cho vay, đã góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo. Tính đến tháng 12-2009, có 13.006 hộ do phụ nữ làm chủ là hộ nghèo. Trong đó, 12.900 hộ đã được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, nhờ đó gần 2.300 hộ do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Nhị ở tổ 4, xóm 7, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) là một ví dụ như vậy. Gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình phải nuôi hai con nhỏ. Được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho đi học lớp nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề 20-10. Sau khi hoàn thành khóa học, chị được hỗ trợ vốn vay mở cửa hàng ăn. Đến nay, trung bình mỗi tháng chị thu lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng. Cuộc sống gia đình chị nay đã khác trước rất nhiều. Cũng nhờ vậy mà chị đã có điều kiện để tham gia tích cực vào hoạt động của Hội và giúp đỡ các chị em khác.
Công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ chị em phát triển sản xuất đã giúp cho phụ nữ nông thôn không những phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động đúng hướng, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đồng thời, hoạt động này đã đưa chị em đứng trước cơ hội được tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, được tự khẳng định mình, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn chặn nguy cơ bạo lực gia đình, có điều kiện tốt hơn để chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ học vấn.
Tuy nhiên, hiện nay trong công tác dạy nghề cho phụ nữ nông thôn còn gặp một số khó khăn. Chị Đỗ Thị Nga, Ủy viên Ban Thường vụ, Hội LHPN huyện Đại Từ, là người phụ trách công tác đào tạo nghề nhiều năm tâm sự: Khó khăn cơ bản nhất của công tác tổ chức và đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn chính là nhận thức của người dân, ngay cả với chị em vẫn còn hạn chế. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần học xong bậc phổ thông là có thể kiếm tiền tại các thành phố lớn, không cần phải học nghề, số khác vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo của các trung tâm dạy nghề. Một bộ phận chị em còn “an phận” làm vợ, làm mẹ, sống phụ thuộc vào chồng, con. Thêm vào đó, cở sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm dạy nghề còn chưa đồng bộ, cần được đầu tư nhiều hơn nữa.
Bởi vậy, để làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, các trung tâm dạy nghề cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm, giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho người lao động sau khi được đào tạo. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không thể thiếu là sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp. Cùng với đó là sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với việc dạy nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, tín dụng để chị em có vốn phát triển kinh tế ngay tại quê hương mình.