Không chỉ còn là báo động

07:53, 24/09/2010

Tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại tình dục có dấu hiệu gia tăng, xảy ra ở nhiều nơi với diễn biến bất thường, nghiêm trọng, phức tạp.

  

Sự việc xảy ra hôm 17/9/2010 vừa qua đã gây phẫn nộ người dân khu vực ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh: Khi tên Huỳnh Văn Năm (SN 1950) đang thực hiện hành vi dâm ô đối với cháu N.T.H.T (sinh năm 2000, ngụ cùng ấp) thì bị phát hiện. Bé T. cho biết: “Con thường đi bán vé số ngang nhà ông Năm, mỗi lần đi qua ông kêu lại mua, rồi rủ con vào nhà làm chuyện đó. Xong rồi ông cho con tiền, khi 5.000 đồng, khi 10.000 đồng để ăn bánh”.

 

Theo lời bé T, ông Năm đã hơn 12 lần thực hiện hành vi dâm ô với bé. Tại trụ sở Công an xã Xuân Thới Thượng, tên Năm thừa nhận từ tháng 2/2010 đến nay đã nhiều lần thực hiện hành vi dâm ô với cháu T. tại nhà của mình.

 

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đã và đang có xu hướng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2005 có trên 200 em bị xâm hại và con số này tăng lên 1.427 vào năm 2008. Năm 2009 tuy có giảm xuống còn 833 em nhưng năm 2010 lại có chiều hướng gia tăng, với khoảng 900 trường hợp. Tuy nhiên, số liệu chỉ căn cứ trên cơ sở những trường hợp được trình báo, còn thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

 

TS. Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hành vi xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có tính chất phức tạp, độ tuổi bị xâm hại ngày càng thấp. Trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm 13,5% tổng số trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ từ 6 tuổi đến dưới 13 tuổi chiếm 37,2% và số trẻ từ 13 tuổi đến 16 tuổi chiếm 49,3%.

 

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang bị xâm hại chiếm 11,6%. Trẻ em bị xâm hại chủ yếu là bị hiếp dâm (chiếm tới 65,9%), đối tượng phạm tội chủ yếu là người thân hoặc gần gũi với nạn nhân (chiếm 56,1%). Hiện tượng loạn luân (bố đẻ xâm hại con gái chiếm 0,6%, bố dượng xâm hại con riêng của vợ chiếm 1%) tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến truyền thống đạo đức gia đình và an toàn xã hội.

 

Gia tăng do đâu?

 

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, phải kể đến là do người lớn - đối tượng xâm hại trẻ em - uống rượu bia say dẫn tới những hành vi thú tính, vô luân thường đạo lý. Nguyên nhân này chiếm tới 17,7% các trường hợp xâm hại đã xảy ra. Hiện tượng bị tác động, kích thích từ phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy ở mức 8,8% (đối tượng tập trung ở tuổi thanh niên). Ảnh hưởng của mê tín dị đoan cũng là nguyên nhân của việc xâm hại trẻ em.

 

Bên cạnh đó, nhiều cơ hội, hoàn cảnh thuận lợi cho các đối tượng phạm tội xâm hại như việc trẻ em ở nhà 1 mình, trẻ em chơi 1 mình nơi vắng vẻ… nguyên nhân khách quan này chiếm tỷ lệ rất lớn ở mức 56,4%. Ngoài ra còn phải kể đến những nguyên nhân khác, như: Gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật dẫn đến việc các em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị xâm hại; Vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng, trường học chưa được coi trọng; Công tác quản lý nhà nước về văn hóa thông tin còn bất cập trước sự xuất hiện của những ấn phẩm độc hại, Internet đen, phim ảnh khiêu dâm; Công tác giáo dục, phòng ngừa để trẻ em tránh được nguy cơ bị xâm hại vẫn chưa được quan tâm đúng mức…

 

Giải pháp: Phòng ngừa là trọng tâm

 

Đứng trước tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng phức tạp và có chiều hướng  gia tăng, việc nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng được coi là giải pháp chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Theo đó, cần thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em trên cơ sở nghiên cứu và thực hiện các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với đặc điểm của mỗi vùng, miền.

 

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Bộ LĐ-TB&XH, để từng bước xóa bỏ tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em; Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em ban hành năm 2004, trong đó, nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và cá nhân trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em; Bổ sung những quy định, chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại trẻ em; Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho mọi trẻ em; Từng bước xây dựng và nhân rộng “Hệ thống bảo vệ trẻ em” với việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ trung ương đến cơ sở, phát triển đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên, tình nguyện viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương xã, phường, thôn, bản, khu, ấp… Bảo đảm cho trẻ em có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần./.