Làm gì để thực phẩm an toàn?

15:18, 23/09/2010

 Để hạn chế thực phẩm nhiễm các chất độc hại, cần tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức của người chăn nuôi. Bên cạnh đó nên có chế tài xử phạt nặng, đủ sức răn đe.

  

Cùng với mối lo ngại về tình trạng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, hoa quả, người tiêu dùng lại thêm mối lo ngại sự tồn dư các chất tăng trưởng độc hại trong các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa. Làm thế nào để người chăn nuôi không sử dụng các chất tăng trưởng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng?

 

Chế tài phải đủ mạnh

 

Mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo về tác hại của các chất kích thích tăng trưởng độc hại khi chúng vào cơ thể con người nhưng vì lợi nhuận, nhiều người chăn nuôi đã nhắm mắt làm ngơ trước sức khỏe cộng đồng. Điều đáng lo ngại là có rất nhiều chất kích thích tăng trưởng độc hại trôi nổi trên thị trường. Người chăn nuôi có thể dễ dàng mua các loại thuốc kích thích tăng trưởng ở bất cứ cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi gia súc nào.

 

Nhiều người chăn nuôi đã sử dụng một số loại thuốc tăng trọng đã bị Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002 như chloramphenicol, clenbuterol và salbutamol. Gần đây còn xuất hiện thêm một số nhóm các chất kích thích tổng hợp nhân tạo (nhóm Agoniste) được sử dụng khá phổ biến là: Diethylstilbestrol, trenbolone và zeranol, salbutamol, cimaterol.

 

Trong một đợt kiểm tra mới đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã lấy 72 mẫu thịt lợn, 72 mẫu thịt gà để kiểm tra thì có 1 mẫu thịt lợn, 4 mẫu thịt gà có tồn dư Salbutamol và 8 mẫu thịt lợn, 10 mẫu thịt gà có tồn dư Clenbuterol. Vừa qua, Chi cục Thú y TP. HCM cũng kiểm tra hơn 300 mẫu thịt gia súc, gia cầm thì cũng có tới hơn 16% có kết quả dương tính với chất Clenbuterol. Clenbuterol và Salbutamol khi dùng trong chăn nuôi thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, giúp gia súc tăng trọng rất nhanh, thịt nạc nhiều, mỡ ít. Nếu sử dụng những chất kích thích tăng trưởng này, người nuôi có thể xuất chuồng đến 4 lứa heo thịt/năm.

 

Do tồn dư trong thịt, ngay cả khi nấu chín, các chất này cũng không bị mất đi. Ngoài ngộ độc cấp tính, các chất này sẽ làm rối loạn chức năng tim, phổi, khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, phù nề, liệt cơ, run cơ… Ngoài ra, nhóm thức ăn tăng trọng là nhóm hormone được sản xuất bởi tuyến sinh dục như oestrogene, testosterone và progesterone, khi con người ăn phải một thời gian dài có khả năng gây chuyển đổi giới tính.

 

Việc sử dụng các chất tăng trưởng độc hại không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà về lâu dài còn gây ảnh hưởng tới giống nòi. Vì vậy, hành vi này không những phải bị lên án mà còn phải có chế tài xử phạt thật nặng, đủ sức răn đe để những người hám lợi không dám coi thường.

 

Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Dựa vào cộng đồng để phát hiện chất cấm sử dụng trong chăn nuôi

 

Người chăn nuôi đang dùng các loại thuốc kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi một cách bừa bãi mà chúng ta chưa kiểm soát được. Bởi ngành chăn nuôi của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ và trang trại. Đa phần người chăn nuôi là nông dân, trình độ không cao. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã bổ sung chất kích thích tăng trọng vào thức ăn chăn nuôi để dễ bán.

 

 

Thuốc tăng trưởng không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường thức ăn chăn nuôi

  

Việc phát hiện chất cấm sử dụng trong chăn nuôi cần dựa vào cộng đồng. Cán bộ phường, thôn, bản có thể qua dân để biết trang trại nào đang sử dụng các chất kích thích tăng trưởng bị cấm. Hiện nay có nhiều loại thuốc tăng trọng trôi nổi trên thị trường. Bà con nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và tìm hiểu kỹ xem thuốc kích thích tăng trưởng đó có bị cấm sử dụng hay không.

 

Để hạn chế thực phẩm nhiễm các chất độc hại, cần tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức của người chăn nuôi. Bên cạnh đó nên có chế tài xử phạt nặng, đủ sức răn đe. Chúng ta cần quyết liệt hơn để loại ra khỏi cộng đồng những loại thực phẩm tồn dư chất kích thích sinh trưởng. Hệ thống các phòng thí nghiệm những năm gần đây được Nhà nước chú trọng đầu tư nhằm kiểm soát các chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM; ở những tỉnh, thành khác còn lại, các phòng thí nghiệm cần được tăng cường hơn nữa.

 

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm

 

Hàng năm, Phòng Chăn nuôi của Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Cục Thú y của Bộ NN&PTNT đi kiểm tra các công ty, cửa hàng thức ăn chăn nuôi. Qua các cuộc kiểm tra gần đây, không phát hiện công ty nào có sản phẩm chứa hormon tăng trưởng và có chất tồn dư trong sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi vẫn phải kiểm tra định kỳ hàng năm. Nếu phát hiện các cơ sở vi phạm sẽ phạt theo quy định. Theo tôi, để chọn thịt an toàn, người tiêu dùng nên mua thịt tại các siêu thị, hoặc những nơi có đóng dấu của cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu mua ngoài chợ, nhìn về cảm quan thì rất khó phân biệt, chỉ có thể kiểm tra bằng cách xét nghiệm thịt.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng của người chăn nuôi

 

Thời gian tới, chúng ta cần tích cực tuyên truyền, giáo dục để người chăn nuôi biết được những thuốc kích thích tăng trưởng độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người như thế nào, để họ có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc kiểm soát sử dụng các chất kích thích trong chăn nuôi không dễ nhưng không phải không làm được. Công việc này nếu chỉ giao cho ngành chăn nuôi thì không làm nổi mà phải có sự phối kết hợp của các ban, ngành liên quan như: y tế, thú y, thị trường, công an, chính quyền cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của người dân.

 

Trong vấn đề xử phạt vi phạm, Điều 155, Bộ luật Hình sự có quy định phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm đối với người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn. Khung pháp lý đã có nhưng thông tư hướng dẫn thực hiện còn thiếu.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTT cũng đã giao cho Cục Chăn nuôi soạn thảo thông tư hướng dẫn xử lý những đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang có chương trình giám sát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm trên toàn quốc, trước mắt làm thí điểm tại Thanh Hóa và Tiền Giang. Thực hiện chương trình này, Bộ sẽ phân rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền. Tháng 7/2011, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực, chức năng này sẽ chuyển từ ngành y tế sang ngành nông nghiệp. Khi đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường nhân lực, vật lực phục vụ cho việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm./.