Ngô Bảo Châu thích sống lặng lẽ

08:28, 09/09/2010

Tâm sự với hãng thông tấn Pháp AFP, giáo sư Ngô Bảo Châu nói rằng anh thích một cuộc sống lặng lẽ với toán học, thứ đã giữ chặt lấy anh.  

 

"Khi tôi đi mua thuốc lá người ta cũng nhận ra tôi", Châu nói về trải nghiệm của anh khi trở về Hà Nội sau khi nhận giải thưởng Fields.

 

Châu được Hiệp hội Toán học Quốc tế trao tặng giải thưởng vốn được coi là Nobel trong toán học vì chứng minh được bổ đề cơ bản. Trước đó, công trình của anh được ghi nhận khi tạp chí Time bình chọn đó là một trong 10 phát hiện lớn nhất trong khoa học năm 2009.

 

Gương mặt nhà toán học này vẫn trẻ nhưng tóc anh bắt đầu điểm bạc. Châu nói rằng anh thích làm việc trong sự riêng tư nhưng giờ đây, giải thưởng khiến anh cảm thấy có trách nghiệm và nghĩa vụ hơn với quê nhà. "Từ giờ trở đi, tôi có trách nhiệm nặng nề vì được để ý nhiều hơn", anh nói.

 

Châu lớn lên ở Việt Nam nhưng những phát hiện đột phá trong toán học của anh là ở Pháp. Châu nói anh tự hào về sự liên hệ với cả hai đất nước. "Tôi nhận vinh dự này như một người Việt - Pháp".

 

Châu cho biết anh "vội nhập tịch Pháp" hồi tháng hai khi anh cảm giác sẽ giành giải thưởng đó. Sẽ không công bằng lắm nếu thành công của anh không mang lại sự ghi nhận dành cho các nhà toán học Pháp, Châu giải thích.

 

Châu theo nghề của bố, một nhà toán học. Niềm say mê đối với bộ môn này trở nên mạnh mẽ khi Châu vào trung học. Anh đạt huy chương vàng toán quốc tế và nhận học bổng sang Pháp năm 1990.

 

Năm 2004, cùng với Gerard Laumon, anh giành giải thưởng Clay nhờ nghiên cứu về bổ đề cơ bản. Nhưng công trình này chưa đầy đủ. "Đó là điểm mốc quan trọng trong nghiên cứu của tôi. Mọi nỗ lực của tôi bị chặn tại đó", anh nói.

 

Châu rời Pháp sang Viện nghiên cứu cao cấp Princeton ở New Jersey, Mỹ, và sự đột phá trong công trình của anh nảy ra tại đó. "Mọi thứ sáng tỏ trong một hoặc hai tuần hồi tháng 12/2006. Ở thời điểm đó, tôi dường như tìm thấy mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh xếp hình. Tôi biết mình muốn đi đến tận cùng, và chứng minh bổ đề cơ bản".

 

Giờ đây Châu làm việc tại Đại học Chicago. Anh cho biết sẽ dành mỗi năm ba tháng tại Việt Nam và mở một viện nghiên cứu toán học, trực thuộc Bộ Giáo dục. "Một trong những mục tiêu của kế hoạch đó là thu hút các nhà khoa học Việt Nam trở về và làm việc tại quê nhà", Châu nói.

 

"Huy chương này là niềm tự hào lớn đối với người Việt Nam và là cơ hội để các nhà nghiên cứu nước này phát huy", anh bình luận.