Người lính Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới

14:22, 20/09/2010

Trở về từ quân ngũ, với ý chí người lính Cụ Hồ, các cựu chiến binh (CCB) ở T.X Sông Công đã hăng hái tham gia công tác xã hội, xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh. Đặc biệt, với sự cần cù, dám nghĩ dám làm đi đầu trong việc xóa đói giảm nghèo, các CCB thị xã một lần nữa khẳng định mình trên mặt trận kinh tế.

 “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

 

Đó là điều mà thương binh hạng 4/4 Nguyễn Văn Hạnh, xóm Bờ Đớ, xã Bá Xuyên tâm đắc nhất nói với chúng tôi về quá trình lập nghiệp của mình. Năm 1987, sau khi xuất ngũ trở về quê, do kinh tế khó khăn nên năm 2000, ông quyết định cùng vợ từ Thái Bình lên Thái Nguyên lập nghiệp. Nhìn hai quả đồi trọc vừa mua chỉ toàn lau sậy ông tự nhủ phải biến khu đồi này thành vườn cây có giá trị kinh tế. Những ngày đầu lập nghiệp thật gian nan, hai vợ chồng dựng tạm ngôi nhà rồi hàng ngày bạt núi, cuốc đất khai hoang để trồng quất, đến khi hai chiếc cuốc mòn vẹt tận cán cũng là lúc hai quả đồi đã trở thành một vườn quất bạt ngàn… Một năm sau ông bắt đầu có thu hoạch từ quất, để tận dụng diện tích phía dưới ông nuôi 1.000 con ngan Pháp và trồng thêm gần 1ha cây keo lai, nuôi thêm thỏ, 500 con gà và hơn 10 con lợn thịt… Sự cần cù vượt khó, dám nghĩ dám làm của người cựu chiến binh đã được đền đáp, thu nhập từ vườn đồi, chăn nuôi của ông lên đến gần một trăm triệu đồng/năm. Nhận thấy nhu cầu thị trường về cây cảnh tăng cao, năm 2005 ông lại tiếp tục đầu tư vào trồng cây cảnh. Không ngừng học hỏi để làm giàu, đầu năm 2010 này ông cải tạo và mở rộng ao nuôi cá lên 2000 m2, đầu tư trên 7 triệu tiền giống để thực hiện mô hình nuôi cá rô đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn là một CCB năng nổ trong việc giúp đỡ các hội viên khác cải tạo vườn đồi để phát triển kinh tế, ông Hạnh chia sẻ: tôi muốn giúp các đồng đội của mình làm giàu ngay trên những khu đồi đất trống để hoang của gia đình”. Được biết ông Hạnh đã giúp cho 7 hội viên trong Chi hội CCB xóm Bờ Đớ cải tạo vườn đồi trồng keo lai, trồng quất và cây cảnh. Đến nay nhiều hội viên đã có thu nhập cao từ kinh tế vườn đồi như CCB Đồng Văn Miền, CCB Trần Văn Doanh…

 

Nếu như CCB Nguyễn Văn Hạnh làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng, thì CCB Trương Đình Oanh, Chi hội xóm Chúc, xã Bá Xuyên lại đi lên từ chăn nuôi gà trang trại. Khi chúng tôi đến cũng là thời điểm ông vừa xuất xong lứa gà công nghiệp cho Công ty JAPFA Comfeed VietNam. Ông Oanh cho biết: Năm 2009, tôi bắt đầu xây trang trại gà có quy mô 9.000 con/lứa, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 700 triệu đồng. Bình quân mỗi năm sẽ nuôi được 6 lứa gà, trừ chi phí cũng thu lãi gần 60 triệu đồng/lứa thì sau khoảng 2 năm sẽ thu hồi vốn. Ngoài nuôi gà, ông còn tận dụng 700m2 ao để nuôi cá thịt, mỗi năm cũng thu về trên 4 triệu đồng. Được biết, gia đình ông Oanh còn là một trong những hộ đi đầu trong phong trào “đưa cây chè cành xuống đồng” theo chủ trương của xã Bá Xuyên. Hiện, nhà ông có 5 sào chè cành, cho thu nhập gần 30 triệu đồng/năm.

 

Còn rất nhiều những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu của các CCB ở T.X Sông Công mà trong khuôn khổ bài viết chúng tôi không thể kể hết được. Họ đã và đang một lần nữa khẳng định sức mạnh của người lính, tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới.

 

 Nơi thắp sáng tinh thần “đồng đội”

 

Đươc thành lập năm 1990, Hội CCB thị xã đã thực sự trở thành nơi tập hợp và phát huy sức mạnh của CCB tham gia xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Hiện nay, Hội CCB thị xã có 2.664 hội viên, sinh hoạt ở 152 chi hội cơ sở. Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, các cấp Hội thường xuyên coi trọng công tác  tuyên truyền các chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để từ đó các hội viên vận động nhân dân và gia đình làm theo. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực ở từng cơ sở hội, các hội viên CCB đã khơi dậy tình cảm cộng đồng, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ học tập. Phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ, hội viên CCB đã đoàn kết giúp nhau về vốn, giống, kinh nghiệm làm ăn, sức lao động để ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhằm giúp hội viên CCB có vốn để phát triển kinh tế, bằng nguồn quỹ Hội, các chi hội đã giúp đỡ các hội viên nghèo vay không lấy lãi, đến nay toàn hội có 650 triệu đồng tiền quỹ hội cho hội viên vay phát triển kinh tế. Cùng với đó là các nguồn vốn 120, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, đến nay tổng số vốn ủy thác của Hội đạt trên 23 tỷ đồng. Ông Trương Đình Oanh, Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm Chúc, xã Bá Xuyên cho biết: 50% hội viên của Chi hội được vay vốn với mức 7 triệu đồng/hội viên, ngoài ra, 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn còn được vay thêm nguồn quỹ chi hội với mức 1 triệu đồng/hội viên.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Dương Văn Cường, Chủ tịch Hội CCB thị xã cho biết: Sau 20 năm thành lập, Hội lớn mạnh không chỉ về số lượng, mà chất lượng sinh hoạt hội cũng được nâng cao. Hội đã thực sự trở thành ngôi nhà chung để các CCB chia sẻ, động viên và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Với phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế đã một lần nữa khẳng định bản lĩnh của ngưới lính Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới, đến nay không còn hộ CCB nghèo, số hộ giàu và khá tăng lên 75%. Từ 6 cơ sở Hội ban đầu, đến nay 100% xóm, tổ dân phố đều có cơ sở Hội, qua đánh giá hàng năm 100% tổ chức hội đạt trong sạch vững mạnh. Các hội viên CCB luôn đi đầu trong thực hiện các phong trào ở khu dân cư, động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với những thành tích đã đạt được, Hội CCB thị xã đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và tỉnh.