Cuối Thu, mưa bay như màn sương mỏng, đường về Phú Cường (Đại Từ) oằn oại trong đất đỏ lầy lội. Chốc chốc lại có một chiếc xe máy của nông dân thồ nông sản ra chợ huyện, đi ậm ạch trong bùn đất… Chị Đinh Thu Hương, cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Đại Từ nói với chúng tôi: Do đường đang thi công, khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn nhiều, hàng hóa nông sản của nông dân không còn bị tư thương ép giá, quãng đường từ xã về trung tâm huyện cũng không còn cách trở với người dân...
Là một xã miền núi nằm ở phía Bắc huyện Đại Từ, Phú Cường có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.800 ha, gần 1.200 hộ, trên 5.000 nhân khẩu. Trong 8 dân tộc anh em cùng đoàn kết sinh sống tại 10 xóm, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp nên khó khăn còn nhiều. Và để đời sống người dân từng bước thoát đói nghèo, lạc hậu, Đảng - Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm như việc đầu tư về Phú Cường những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chỉ trong thời gian 5 năm gần đây, trên địa bàn của xã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới 2 trạm biến áp và đường điện ngoài Dự án WB tại xóm Văn Cường II và xóm Na Mấn; 15 phòng học cho con em địa phương; 657 m kênh mương tại khu đồng Na Quýt; làm hơn 500 m đường bê tông tại xóm Văn Cường III, với tổng vốn đầu tư đạt trên 4,5 tỉ đồng. Tuyến đường liên xã Na Mao - Phú Cường - Đức Lương dài 4,2 km được đầu tư nâng cấp; đường tràn liên hợp cống Na Quýt - Na Mấn được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; cầu treo vào xóm Đèo, xóm Chiềng được đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn phòng chống lụt bão. Cùng với đó, Chương trình 135 của Chính phủ đã hỗ trợ vốn sản xuất cho 396 hộ nghèo, với tổng số tiền 880 triệu đồng. Chương trình 134 của Chính phủ cũng đã hỗ trợ cho 51 hộ nghèo của xã với tổng số tiền 306 triệu đồng. 91 hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà ở theo Quyết định 167; 57 hộ được hỗ trợ đào giếng, xây giếng lấy nước sinh hoạt. Đội ngũ cán bộ chuyên môn từ các cơ quan, ban, ngành của huyện đã không quan ngại khi về với dân, hướng dẫn cho người dân tham gia xây dựng nếp sống văn hóa mới, từng bước bài trừ những tập tục lạc hậu và tập quán canh tác cũ, để từng bước thay thế bằng cách sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chúng tôi về xóm Văn Cường III - nơi có 90/120 hộ là người đồng bào Công giáo. Đi trên con đường bê tông xuyên giữa những ruộng lúa đang kỳ kết hạt và những đồi chè lấp xấp hình bát úp tíu tít người thu hái, chúng tôi có cảm nhận về vùng quê Phú Cường đang từng ngày khởi sắc. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng xóm cho biết: Nhờ có nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, từ hơn 1 năm nay người dân chúng tôi đã có một con đường phong quang, sạch đẹp, mọi người không phải đi lại trên con đường đất lầy lội sau mưa…
Qua câu chuyện của ông Sơn chúng tôi còn được biết: Để có được con đường bê tông giữa một xóm nghèo, xa huyện như Văn Cường III, ngoài nguồn vốn của Chính phủ đầu tư, nhân dân địa phương còn tự nguyện hiến đất làm đường, tham gia cùng bên thi công giải phóng mặt bằng và đóng góp thêm tiền của để con đường bê tông thêm dài rộng… Cùng đi, đồng chí Hoàng Xuân Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Cường cho biết thêm: Trong thời gian từ năm 2005 đến nay, xã Phú Cường “bận rộn” như một công trường xây dựng, đó là những công trình điện, đường, trường học và từ ở các ngõ xóm bà con tích cực giúp nhau xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà 134, nhà 167 để những công dân nghèo có một nơi ở không bị mưa hắt, gió lùa. Nhất là trong quá trình Nhà nước triển khai vốn và thi công xây dựng các công trình tại địa phương, 159 hộ dân của xã có liên quan tới công trình xây dựng đã tự nguyện hiến đất. Kết quả này do đội ngũ cán bộ địa phương làm tốt công tác dân vận. Chính vì thế mà hầu hết bà con nhân dân, trong đó có cả đồng bào người dân tộc thiểu số và đồng bào người công giáo đã đoàn kết, cùng hưởng ứng tham gia các phong trào do Nhà nước phát động.
Khi về xóm Na Quýt, xóm có 113 hộ, gồm 5 dân tộc Sán Chí, Tày, Nùng, Kinh, Sán Dìu cùng sinh sống, đây là một trong những xóm có số hộ nghèo nhiều nhất của xã, với 22 hộ nghèo, trong đó có 21 hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Đức, Trưởng Ban công tác mặt trận xóm tự hào: Na Quýt nghèo, nhưng người dân sống đoàn kết, có ý thức giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Điển hình như việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo bằng nguồn vốn Chương trình 167, bà con chòm xóm đều đến chia sẻ, góp thêm công sức giúp đỡ. Năm 2010, xóm có 5 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ làm nhà theo chương trình này… Trong ngôi nhà mới của mình, ông Hạc Văn Thơm đã nói với chúng tôi đầy xúc động: Gia đình tôi mới chuyển vào ở trong ngôi nhà cấp 4 đây từ hôm 18-9-2010. Ngoài tiền xây dựng từ nguồn vốn 167 của Nhà nước, gia đình tôi còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của bà con chòm xóm.
Với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng/người/năm hiện nay, đời sống của người dân xã Phú Cường còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin ở ngày mai, Phú Cường sẽ hết nghèo, hết khó bởi tuyến đường vào xã đang được những người thợ khẩn trương thi công. Khi tuyến đường hoàn thành, hàng hóa nông sản của nông dân không còn bị tư thương ép giá. Quãng đường từ xã về trung tâm huyện cũng không còn cách trở với người dân xã Phú Cường.