Phú Lương xây dựng kết cấu hạ tầng

07:42, 27/09/2010

Từ năm 2005 đến nay, huyện Phú Lương đã đầu tư hơn 245 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, hiện 15/16 xã, thị trấn có trụ sở làm việc 2 tầng, 10/16 Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, 274/274 thôn, xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm, 13/16 xã, thị trấn có chợ, 98% số hộ dân trong toàn huyện được sử dụng điện lưới Quốc gia…Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã góp phần quan trọng tạo nên bộ mặt mới ở đô thị và nông thôn, tác động tích cực tới việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 

Huyện Phú Lương đã tập trung xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như: Tuyến đường Yên Trạch - Phú Tiến,  Quốc lộ 3 - Phấn Mễ - Tức Tranh, Quốc lộ 3 - Bến Giềng - Vô Tranh, Phủ Lý - ATK Hợp Thành... Huyện cũng đã mở rộng nâng cấp được hơn 165 km đường, trong đó đường nhựa là 37 km, 10 km đường bê tông xi măng, còn lại là đường cấp phối. Cùng với các công trình giao thông, huyện cũng quan tâm tới cơ sở vật chất trường học. Huyện Phú Lương đã đưa vào sử dụng 104 phòng học cao tầng, hoàn thiện một số phòng học cấp 4, xây dựng 7 nhà hiệu bộ và trên 790 m2 nhà công vụ giáo viên. Đến nay, hầu hết các trường đã có nhà lớp học 2 tầng. Tổng nguồn vốn thực hiện các công trình trường học ước đạt hơn 58,7 tỷ đồng. Các công trình điện cũng được quan tâm đầu tư cải tạo. Trong vòng 5 năm qua, huyện đã cải tạo nâng cấp 17 trạm biến áp với 16 km đường dây trung thế và 72 km đường dây hạ thế với số vốn hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các xã, thị trấn; sửa chữa các công trình hồ đập, thủy lợi…

 

Đi trên con đường nhựa phẳng phiu đến xã Hợp Thành, gặp và trò chuyện với bà con nơi đây chúng tôi mới cảm nhận được niềm vui của người dân khi các điều kiện về kết cấu hạ tầng của xã đã và đang thay đổi từng ngày. Tại xóm Khuôn Lân, ông Nguyễn Văn Nhẫn phấn khởi nói: Trước đây, mỗi khi ốm đau chúng tôi phải ra tận Bệnh viện Đa khoa Phú Lương để chữa trị. Giao thông đi lại khó khăn, nhất là những khi trời mưa nên nhiều khi ra đến huyện là cả một vấn đề. Giờ đây mỗi khi có bệnh chúng tôi lên Trạm Y tế xã được cấp phát thuốc miễn phí, được tư vấn cách điều trị, không còn phải lo lắng nữa. Còn chị Đào Thị Thu, người xóm Làng Mới thì niềm vui của chị cũng như bà con trong xóm là khu chợ đã được xây dựng khang trang, hàng hóa nông sản làm ra không phải lo mang đi nơi khác tiêu thụ và bị tư thương ép giá nữa. Học sinh đi học cũng thuận tiện hơn vì đường giao thông đã được trải nhựa.

 

Rời Hợp Thành, chúng tôi đến xã Yên Đổ. Đồng chí Nguyễn Hữu Trào, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm năm 2005 đến năm 2009, xã đã đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng là 32,8 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước là 28,9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3,1 tỷ đồng. Xã đã xây mới được 10 phòng học 2 tầng trường THCS, 4 phòng học, 1 nhà hiệu bộ trường mầm non, 2 nhà công vụ cho giáo viên, trụ sở UBND, chợ, cứng hóa 8km kênh mương, các công trình hồ đập... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế một số địa phương trong huyện chúng tôi nhận thấy, chỉ có đường giao thông tới trung tâm các xã, thị trấn là đường nhựa. Còn lại hơn 400 km đường liên xã, xóm vẫn chủ yếu là đường đất, hay bị xuống cấp vào mùa mưa, ảnh hưởng đến việc thông thương hàng hóa của bà con. Mặt khác, hệ thống kênh mương thủy lợi của các địa phương đã được quan tâm đầu tư nhưng chỉ mới chủ động được về nước tưới cho hơn 56% diện tích cấy lúa của người dân. Cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn huyện đạt 47%. 6 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của các Trạm trên còn thiếu, chưa đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân…

 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Trong thời gian tới, huyện chỉ đạo sát sao việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 dự án Cụm công nghiệp Đu - Động Đạt và khu công nghiệp nhỏ Sơn Cẩm, để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn lực bên ngoài và vận động nội lực trong dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp tục tập trung đầu tư vào các công trình điện, đường, trường, trạm, các cụm công trình thuỷ lợi, phục vụ thiết thực nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà con các dân tộc trong huyện.