Miền Trung đang nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt lũ vừa qua để chuẩn bị đối phó với cơn bão mới- Megi
** Hà Tĩnh kiên quyết không để người dân vùng lũ bị đói, rét
Đến chiều 17/10, mưa lũ ở Hà Tĩnh đã làm 7 người chết, 2 người mất tích; 178 xã của 12 huyện, thị xã, thành phố ở Hà Tĩnh, với trên 83.000 hộ bị ngập sâu trong nước. Trong đó, vùng lũ trọng điểm tập trung ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và hạ lưu Hồ Kẻ Gỗ.
Với phương châm không để người dân bị đói và rét do mưa lũ gây ra, được sự cứu trợ của Quân khu 4, tỉnh Hà Tĩnh dùng 20 xuồng cao tốc, cấp 35 tấn mì tôm, lương khô và nước uống đến người dân. Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: tất cả lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ban ngành, lực lượng vũ trang cùng lãnh đạo các huyện phân công bám sát địa bàn, huy động xuồng máy, tiếp cận các địa bàn và thực hiện sơ tán nhân dân ở vùng xung yếu. Nếu nước tiếp tục lên phải tiếp tục di dời đảm bảo an toàn cho nhân dân, kiên quyết không để nhân dân bị đói và rét do mưa lũ; cung cấp lều bạt để người dân không những đảm bảo tính mạng cho mình mà con đảm bảo tài sản như gia súc, gia cầm.
Do đây là trận lũ chưa từng có trong vòng 100 năm qua ở Hà Tĩnh nên hiện nay các tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu; một số đoạn bị ách tắc giao thông, hàng trăm xe ô tô phải nằm chờ tại thị xã Hồng Lĩnh; các tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị ngập sâu và chia cắt.
** Quảng Bình khắc phục hậu quả bão lũ, chuẩn bị đối phó với cơn bão mới
Đến chiều 17/10, mực nước trên sông Gianh và sông Kiến Giang ở Quảng Bình đã rút nhưng vẫn ở mức cao. Tại nhiều xã thấp trũng thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch… còn bị ngập sâu từ 1 đến 2m, giao thông đi lại chủ yếu là ghe, xuồng. Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho biết, đến chiều nay, cả tỉnh có 2 người chết do lũ cuốn.
Tại các huyện bị ngập sâu của tỉnh Quảng Bình như: Tuyên Hoá, Minh Hoá, Quảng Trạch mưa đã tạnh hẳn, nước lũ bắt đầu rút. Những hộ dân phải di dời tránh lũ đã về để dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Mặc dù đã rút kinh nghiệm từ đợt lũ trước, nhưng do nước lũ lên quá nhanh, 2 cơn lũ dữ chỉ cách nhau trong vòng mấy ngày khiến người dân không kịp trở tay. Hàng chục ngàn hộ dân trong tỉnh đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước uống, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, nguy cơ dịch bệnh tăng cao.
Ông Nguyễn Thái Sơn, ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, gia đình ông ở gần sông, nên bị ảnh hưởng rất lớn bởi đợt lũ vừa qua: lợn gà, lúa gạo đều trôi hết; chưa khắc phục xong lại tiếp cơn lũ khác, gia đình hiện giờ đang lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.
UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương chủ động từ nguồn gạo, mì ăn liền dự trữ để cấp cho dân. Tỉnh cũng đang triển khai để đưa 1.000 tấn gạo Trung ương hỗ trợ về các vùng bị ngập nặng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay sau khi nước rút, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình đã cử các đoàn xuống những vùng xung yếu tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, giúp người dân xử lý môi trường, nguồn nước sau lũ. Tuy nhiên, sau lũ, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.
Hiện nay, lực lượng vũ trang liên ngành Công an, Quân đội và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng đã chia làm 2 mũi về giúp bà con khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, một hướng gồm các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá, Quảng Trạch có Ban Chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở xã Cảnh Hoá, tại đây có 6 tàu cao tốc cùng hơn 100 cán bộ chiến sĩ giúp bà con sơ tán và đối phó với cơn bão đang hình thành ngoài biển. Riêng tại huyện Bố Trạch có 2 tàu với 30 cán bộ chiến sĩ ngày đêm ứng trực để hỗ trợ địa phương. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình còn điều động 1 tàu cao tốc cùng 10 cán bộ chiến sỹ ra giúp nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Cùng với với việc khắc phục hậu quả mưa lũ, chăm lo đời sống nhân dân, tỉnh Quảng Bình cũng đang triển khai các biện pháp chủ động đối phó với cơn bão mới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung. Tỉnh chỉ đạo các địa phương chú trọng tuyên truyền để người dân có ý thức phòng chống bão, tránh tình trạng chủ quan để hạn chế thiệt hại về người.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng thiệt hại sẽ không tránh khỏi bởi người dân một số nơi rất chủ quan, coi thường tính mạng để bắt cá, vớt củi.
** Nghệ An: Mưa lũ làm 5 người chết, 9 xã bị nước lũ cô lập
Tại Nghệ An, mưa lớn kéo dài trong 3 ngày qua đã làm cho nhiều xã ở thành phố Vinh và các huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên… bị ngập úng, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Ở thành phố Vinh, mưa lớn đã làm sạt lở núi Quyết, ảnh hưởng đến một số nhà dân dưới khu vực chân núi; hàng chục héc ta nuôi tôm của người dân phường Hưng Hoà cũng bị ngập trắng. Chính quyền thành phố Vinh đã huy động trạm bơm phía Nam với 6 máy công suất 9.400 m3/giờ hoạt động hết công suất để tiêu úng.
Tại các huyện bị ngập lụt nặng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi đã đến kiểm tra, chỉ đạo các địa phương và nhân dân triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ; tập trung bằng mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân; đồng thời đảm bảo thông tin liên lạc, đi lại của người dân, đặc biệt là các vùng bị ngập nặng…
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, đến 15 giờ chiều 17/10, mưa lũ đã làm 5 người chết, trong đó huyện Thanh Chương có 2 người; huyện Nghi Lộc có 3 người; hơn 4.330 ha lúa; gần 4.000 ha thủy sản và khoảng 20.000 ha khoai lang, rau màu bị ngập, hư hại… Hiện có 9 xã ở các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu bị nước lũ cô lập. Nhiều đoạn giao thông bị ngập sâu, có đoạn đất bùn bồi lấp.
** Chuẩn bị đối phó với cơn bão Megi
Để chủ động đối phó với cơn bão Megi có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học, Phó trưởng ban Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đang đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt tại tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơn bão chưa vào nước ta nhưng tác động của nó có thể dẫn tới nhiễu động không khí gây ra mưa bất thường trong một vài ngày tới. Các hồ chứa, hồ thuỷ lợi, thuỷ điện đều đã đầy nên vấn đề quản lý xả lũ cần được quan tâm đặc biệt. Bởi nếu có mưa tiếp do tác động của cơn bão vấn đề sẽ rất khó khăn.
Ông Đào Xuân Học nói: “Căn cứ vào tình hình thực tế trong đêm nay, chúng tôi sẽ đưa ra những quyết định. Về lâu dài, Bộ chỉ đạo các hồ chứa phải có phương án để đề phòng mưa quá bất thường, vượt quá mức thiết kế, phải có tràn thứ hai để đảm bảo an toàn”./.