Chia sẻ với nhân dân vùng lũ Quảng Bình

09:56, 28/10/2010

Ngày 27-10, T.P Đồng Hới (Quảng Bình) mưa, nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng đến việc tham gia cứu trợ của đoàn Thái Nguyên do Hội Chữ thập đỏ tỉnh dẫn đầu. Trong đoàn, ai nấy đều xăm xắn chuẩn bị cho việc mang hàng cứu trợ tới tay những người dân đang phải gánh chịu hậu quả do trận bão lịch sử vừa tràn qua.

 

Đón đoàn trong không khí thân tình, cởi mở và đầy xúc động, ông Hoàng Đức Thành, Trưởng Ban công tác xã hội và Quản lý thảm hoạ (Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình) vừa bắt tay đón đoàn, vừa thông tin ngay với chúng tôi về tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra: Từ ngày 14 đến 17-10, Quảng Bình có mưa to trên diện rộng khiến nước Sông Danh, sông Kiến Giang dâng cao, làm ngập đồng, tràn vào các làng xóm. Ngay trận lũ đầu tiên đã làm hơn 108.000 ngôi nhà bị ngập; 261 ngôi nhà bị sập và bị cuốn trôi; hơn 1.100 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 61 người đã bị chết và mất tích, 80 người bị thương. Khi lũ chưa qua thì mưa lớn lại đổ xuống, lũ từ thượng nguồn đổ về làm 12 người chết, 2 người bị thương, gần 54.000 ngôi nhà bị chìm trong nước. Trong cả 2 trận lũ đã làm hơn 80 xã bị ngập nặng, tổng giá trị thiệt hại ước tính 2.298 tỉ đồng.

 

Nghe qua tình hình lụt bão của Quảng Bình, ông Đặng Minh Tiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên và các thành viên trong đoàn muốn về ngay vùng lũ vừa đi qua, để chuyển được đến tận tay người dân đang phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề về tinh thần và vật chất... Nhìn bầu trời mây vẫn đen đặc, mưa vẫn lác đác rơi, ông Lương Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Thái Nguyên sốt ruột, bảo: Bà con chắc đang rất mong mỏi nhận được hàng cứu chợ. Đến sớm với bà con chừng nào tốt chừng đó... Suy nghĩ ấy đã thôi thúc cả Đoàn nhanh chóng lên xe xuất hành về xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, sớm hơn so với dự kiến. Trên xe, bà Đỗ Thị Đức Lý, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thái Nguyên luôn hối thúc xe chạy mau. Rồi... đoàn cũng đã đến nơi. Nhìn cánh đồng Cổ Giang, Khương Hà, Thanh Bình, Thanh Hưng tan tác, chơ trọi, nhiều người dân còn chưa hết ngơ ngác vì mất người thân, mất tài sản khiến chúng tôi không khỏi trạnh lòng thương sót và thầm nghĩ: “Giá mà Đoàn có thể mang được nhiều hơn số hàng cứu trợ”!.

 

Những người dân ở xã Hưng Trạch có tên trong danh sách được nhận hàng cứu trợ của đoàn Thái Nguyên đã có mặt từ rất sớm. Ai cũng muốn chen lên đứng đầu hàng để mau nhận được hàng cứu trợ. Ông Lưu Công Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Hàng cứu trợ dành cho Quảng Bình ngoài 500 triệu đồng tiền mặt còn có 250 suất quà có tổng trị giá gần 90 triệu đồng, chủ yếu là gạo, mì tôm, chăn ấm, sách vở, bút... Bà Ngô Thị Xuân sau khi nhận được hàng cứu trợ không giấu được xúc động, nói: Tôi ở bên kia dòng sông Bùng, nhà đã bị lũ cuốn rồi, cũng vừa hết cái ăn, may mà có đoàn cứu trợ về... Còn bà Nguyễn Thị Cúc, nhà bên kia sông Son tay ôm thùng mì tôm, miệng trực khóc nói với chúng tôi: Chỗ hàng này 4 người trong gia đình tôi phải chia ra ăn trong 3 ngày... Còn với chị Trần Thị Lý, thôn Khương Hà 2 không chỉ thiệt hại về vật chất, mà còn bị tổn thương rất lớn về tinh thần bởi chị đã mất đi cậu con trai 18 tuổi: Nước lên nhanh quá, vừa thấy ở sân, chỉ nhoáng sau đấy đã thấy ngập lưng nhà. Đang mải lo cho mẹ già 99 tuổi tránh lũ thì thằng Kiếm đã bị lũ cuốn rồi – chị nói trong đau đớn.

 

Nén nhang của đoàn cứu trợ chia buồn với gia đình chị Lý được thắp lên trên ban thờ và câu chuyện bão lũ kinh hoàng khiến mọi người trong đoàn cứu trợ Thái Nguyên không ai cầm được nước mắt. Chị Nguyễn Thị Sửu, Công ty Xây dựng san nền Thái Nguyên chia sẻ với gia đình chị Lý với số tiền 1 triệu đồng; Hội doanh nhân nữ Thái Nguyên giúp thêm cho chị Lý 10 cân gạo, 1 thùng mì tôm, 1 chiếc chảo, 1 chiếc nồi, 2 áo ấm; chị Phạm Thị Lê, Giám đốc Doanh nghiệp xăng dầu Lê Vinh cũng có chút quà chia sẻ với gia đình, mong chị và người thân sớm ổn định cuộc sống.

 

Anh Ngô Văn Toàn, Xã Đội trưởng xã Hưng Trạch tâm sự: Trong suốt thời gian bão lũ, anh em trong đội phòng chống lụt bão của huyện, xã đã huy động được 3 chiếc thuyền của dân để đi cứu trợ. Hàng hoá chủ yếu là mì tôm, lương khô và nước uống... Trong thời gian đi làm nhiệm vụ, không ai dám nói mệt vì rất nhiều người dân đang trong tình cảnh sống chung với nước. Nhiều hộ phải công kênh nhau lên mái nhà, đợi từng cái bánh mì cứu trợ để sống. Còn chúng tôi cũng 3, 4 ngày động viên nhau ăn mì tôm cùng bà con.

 

... Lúc này bão lũ đã đi qua, nhưng hậu quả của nó để lại cho người dân Quảng Bình nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung rất nhiều khó khăn trong việc ổn định đời sống, xây dựng, sửa chữa những công trình đã bị hư hỏng, lo cho con em trở lại trường... Bởi thế, người dân nơi đây vẫn đang rất cần những tấm lòng chia sẻ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Chúng tôi rời Quảng Bình trở về trong nín lặng và đầy lòng thương cảm với bà con vùng lũ. Trong tâm trí ai cũng mong bà con sớm khắc phục được khó khăn để ổn định cuộc sống của gia đình…