Khắp các bản làng, ngõ xóm trên đất nước, rất nhiều cán bộ, đảng viên vẫn đang âm thầm cống hiến, hy sinh quên mình để làm công tác dân vận.
Bác Hồ dạy: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Nhớ lời dạy của Người, 80 năm qua, nhờ công tác dân vận, Đảng và Nhà nước ta đã đạt được nhiều thành công, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều tấm gương dân vận khéo cũng ra đời từ đó.
Những câu chuyện cảm động
Với việc phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong 2 năm (2009 - 2010), trên cả nước đã xuất hiện nhiều điển hình dân vận khéo, có thành tích xuất sắc ở nhiều lĩnh vực, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đó là điển hình “Chống thả rông gia súc, chuyển đổi cây trồng vật nuôi” ở xã Sử Pán, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai; điển hình “Học tập cộng đồng, xây dựng hạ tầng nông thôn” ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; điển hình “Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng” ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An; “Khắc phục điểm đen trong ô nhiễm môi trường” ở Khu phố 3, phường 1, thị xã Bến Tre…
Và chắc chắn rằng, ở khắp các nẻo đường, bản làng, ngõ xóm trên đất nước Việt Nam, còn rất nhiều những cán bộ, đảng viên vẫn đang âm thầm cống hiến, hy sinh quên mình để làm công tác dân vận.
Nhiều tấm gương đã thực sự làm xúc động lòng người. Đó là câu chuyện về việc vận động mọi người tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời của ông Phạm Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Nhớ lại những ngày đầu đi vận động mọi người, ông chia sẻ: “Ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người thân trong gia đình, khi thấy bác sỹ chuẩn bị lấy giác mạc của cha mẹ mình thì khóc lóc, thương cha mẹ không còn được lành lặn sau khi đã khuất. Những lúc ấy, cần phải giải thích cho họ hiểu về ý nghĩa to lớn của việc hiến tặng giác mạc. Nếu một người hiểu được thì nhiều người khác thấy thế cũng sẽ làm theo. Như vậy, việc làm đó sẽ có sức lan toả rất lớn. Để mọi người làm theo, tôi đã tình nguyện hiến giác mạc của mình sau khi qua đời”.
Dần hiểu được ý nghĩa lớn lao của việc đem lại hạnh phúc cho người khác ngay cả khi mình đã khuất, nhiều người dân huyện Kim Sơn phá bỏ quan niệm cũ, bằng lòng hiến tặng giác mạc của mình khi đã khuất. Trong 3 năm qua, ông Sinh đã vận động thành công 3.250 người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời. Đến nay, ngành y tế Kim Sơn đã nhận được giác mạc của 63 người và trực tiếp đem lại ánh sáng, niềm hạnh phúc cho hơn 100 người khiếm thị.
Ông luôn tâm niệm rằng: “Khi con người chết đi, nếu hiến giác mạc, sẽ vẫn có một phần cơ thể còn sống và giúp ích cho đời. Cứ như thế, giác mạc sẽ thành ngọn nến bất tử và sáng mãi”.
“Dân vận ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì”
Trong Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Muốn giữ vững chế độ, thành quả của cách mạng thì phải làm tốt công tác dân vận, dân vận là cái gốc mà đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cũng phải nhớ”.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Công tác vận động quần chúng của Đảng luôn là việc làm quan trọng. Thắng lợi trong đấu tranh giải phóng đất nước, thắng lợi trong phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, của nhân dân cũng chính là thắng lợi của công tác vận động quần chúng”. Đó chính là phương châm mà Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện trong suốt 80 năm qua.
Với quan niệm rất giản dị là muốn người khác làm theo thì mình phải đi đầu làm gương, anh A Phổ, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum đã rất thành công trong việc vận động bà con trong bản xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Người dân thôn Penh Siêl luôn nhớ những lần anh đi cơ sở vận động dân làng thay đổi tập quán canh tác, vận động thanh niên không tảo hôn, thực hiện nếp sống văn minh.
Ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, mọi người hay nhắc đến trung úy Vũ Trường Tính, đồn Biên phòng 554 với tình cảm quý mến. Về nhận công tác ở xã đảo, Vũ Trường Tính không ngại khó khăn, gian khổ, cùng đồng đội giúp dân phát triển kinh tế, mở lớp dạy văn hóa cho các em thiếu nhi và hướng dẫn người dân sơ tán, chằng chống nhà cửa mỗi khi có bão.
Vậy mà khi nói về những công việc của mình, Trung úy Vũ Trường Tính lại rất khiêm tốn: “Để hoàn thành được nhiệm vụ của mình và làm tốt công tác vận động quần chúng thì đối với cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng không có bí quyết gì ngoài đem hết tấm lòng của mình đến với nhân dân, gắn bó máu thịt, đoàn kết với nhân dân, cùng nhân dân xây dựng và phát triển kinh tế nơi mình đóng quân, thấy việc gì có lợi, có ích cho nhân dân thì gắng sức làm”./.