Để công trình nước sạch phát huy hiệu quả

09:50, 14/10/2010

Công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm cụm xã Điềm Mặc (Định Hóa) có trị giá hơn 2,4 tỷ đồng do UBND huyện Định Hóa làm chủ đầu tư được bàn giao cho xã và đưa vào sử dụng từ tháng 2/2010.

Theo công suất thiết kế và đăng ký sử dụng ban đầu, công trình sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 200 hộ dân thuộc 5 xóm là: Song Thái 3, Bản Nhọ, Bản Giáo, Nạ Co, Bản Quyên và các cơ quan, trường học trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 79 hộ dân và một số cơ quan lắp đặt và sử dụng nguồn nước, lượng nước được người dân tiêu thụ cũng rất hạn chế.

 

Ông Hoàng Văn Tùng, Tổ trưởng tổ quản lý nước cho biết: Sau khi công trình được bàn giao, xã đã thành lập đội quản lý nước gồm 3 người có nhiệm vụ vận hành, sửa chữa nhỏ, thu tiền phí sử dụng đồng thời tiến hành lắp đặt đường nước đến các gia đình đã đăng ký, mức phí sử dụng nước là 3.000 đồng/m3. Tuy vậy, số gia đình thực hiện lắp đặt chỉ chưa bằng nửa so với đăng ký ban đầu, hầu hết các hộ dân sử dụng nguồn nước này kết với nước giếng khơi sẵn có của gia đình, do vậy lượng nước sử dụng rất ít. Từ tháng 4 đến hết tháng 7/2010, tổ quản lý nước chỉ thu được 2,4 triệu đồng tiền phí sử dụng (trong đó tiền điện bơm nước chiếm khoảng 800 nghìn đồng). Tình trung bình, một gia đình mỗi tháng chỉ sử dụng từ 5m3 đến 10m3 nước. Ông Nông Đình Khỏe, xóm Bản Giáo nói: Chất lượng nước của công trình rất tốt, hơn hẳn so với nước giếng, gia đình tôi đã đăng ký và lắp đặt đường nước ngay từ đầu, tuy vậy với mức phí  3.000 đồng/m2 gia đình tôi chỉ dám sử dụng cho nấu nướng, mỗi tháng hết khoảng 5m3, các sinh hoạt khác thì sử dụng nước giếng khơi. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kim, Bí thư Chi bộ xóm Thẩm Doọc cho biết: Hầu hết các gia đình ở Thẩm Doọc đều mong muốn được sử dụng nước nhưng do nguồn nước quá xa, áp lực nước không đủ mạnh và chi phí lắp đặt lớn nên bà con không thể lắp đặt được”.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết công trình được xây dựng đảm bảo kỹ thuật và vận hành tốt nhưng vẫn có một vài thiếu sót cần được khắc phục: Hệ thống phao tự động ở bể chứa nước không hoạt động ngay từ khi đưa vào sử dụng nên tổ quản lý phải hoàn toàn vận hành máy bơm theo hình thức thủ công; trong khi phần lớn bà con sử dụng nước máy vào thời kỳ mùa khô (khi giếng khơi thiếu nước) hay khi mất điện thì bể chứa nước của công trình lại quá nhỏ (dung tích đạt 30m3 nước) nếu mất điện trong thời gian 1 ngày là bể sẽ hết nước. Ông Nông Đình Thân, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Hầu hết người dân đã quen với sử dụng nước giếng tự đào. Để lắp đặt đường dẫn nước từ đường trục đến các gia đình trung bình mỗi hộ mất từ 300 đến 600 nghìn đồng, phí sử dụng nước cũng tương đối cao so với mức sống của bà con.

 

Công trình nước sinh hoạt là phục lợi ích trực tiếp của người dân, làm thay đổi tác phong sinh hoạt của đồng bào dân tộc miền núi. Thiết nghĩ, để công trinh hoạt động hiệu quả, cần khắc phục một vài hạn chế trong kỹ thuật để nguồn nước được cung cấp ổn định và liên tục. Quan trọng hơn, cần có những biện pháp tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt đạt chuẩn, dần thay đổi tư duy sử dụng nước có trả tiền, từ đó nâng nâng cao trách nhiệm trong sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước.