Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2010), phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về vai trò và những đóng góp của phụ nữ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
P.V: Đồng chí có thể đánh giá đôi nét về những đóng góp của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Văn Vượng: Trong những năm qua, quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng bộ và chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động hội viên phụ nữ tham gia xây dựng gia đình văn hoá, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tổ chức, tham gia có hiệu quả các hoạt động trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Với lực lượng lao động nữ chiếm trên 50%, phụ nữ Thái Nguyên luôn là lực lượng nòng cốt, tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể:
Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp: Với đức tính cần cù, chịu khó, chị em đã khắc phục khó khăn, tham gia tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: Nhiều chị em đã phát huy bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển khoa học, kỹ thuật. Thực hiện phong trào thi đua “Kinh doanh giỏi - cạnh tranh lành mạnh - thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước”, mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh, thách thức của thương trường, song rất nhiều chị đã tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường, tích cực tham gia mạng lưới thương mại - du lịch với nhiều thành phần kinh tế, góp phần đưa tỷ trọng thương mại - du lịch - dịch vụ trong GDP của tỉnh tăng đáng kể.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Các chị luôn khắc phục mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu không ngừng học tập, nghiên cứu, công tác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều chị đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú... và có nhiều đề tài khoa học được áp dụng rộng rãi trong thực tế đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp: Đây là một trong những lĩnh vực đòi hỏi chị em phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng tư duy, năng lực tổ chức quản lý tốt và dành một lượng thời gian rất lớn để đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong lĩnh vực này, nhiều chị em đã được tín nhiệm giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Điển hình như chị Hà Thị Xoan, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; chị Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; chị Trương Thị Huệ, Bí thư Huyện uỷ Đại Từ…
Trên mặt trận an ninh - Quốc phòng: Các chị em đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và hy sinh thầm lặng để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
P.V: Đối với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp Hội Phụ nữ phát động, triển khai thực hiện đã có ý nghĩa, vai trò như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Vượng: Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp Hội Phụ nữ phát động đã từng bước đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và lợi ích của đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ, thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia tổ chức Hội, như: phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình",... gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động, từ “học tập” sang “làm theo”. Thực hành tiết kiệm theo gương Bác đã trở thành phong trào rộng khắp trong phụ nữ toàn tỉnh. Nhiều mô hình tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm được thành lập, điển hình như mô hình: “CLB, tổ phụ nữ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, mô hình “nuôi lợn tiết kiệm”, “ống tiền tiết kiệm”, “CLB phụ nữ tiết kiệm điện, nước”, “Hũ gạo tiết kiệm”… Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 548 mô hình làm theo tấm gương của Bác, với số tiền là 250.120.000 đồng, trên 4 tấn gạo, 645 bộ quần áo và nhiều vật dụng khác giúp đỡ các gia đình hội viên nghèo vơi bớt khó khăn, có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống...
Bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, các chị còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, chăm sóc gia đình, đảm đang thực hiện thiên chức của người phụ nữ, góp phần quan trọng tôn vinh những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của các cấp Hội Phụ nữ trong thời gian qua đã góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!