Gặp gỡ những Anh hùng tham dự Đại lễ 1.000 năm

07:38, 01/10/2010

Trong những ngày mà Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc, gặp gỡ với những anh hùng đã từng sống và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở khu vực ĐBSCL.

  

Đây là những cá nhân điển hình trong số 1.000 Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được ra tham dự Đại lễ. Trong số họ, có người đã nhiều lần được ra thăm Thủ đô, nhưng cũng có người chỉ biết đến Hà Nội qua phim ảnh. Tuy nhiên, trong thân tâm, ai cũng nôn nao đón chờ sự kiện trọng đại của đất nước.

 

Đối với Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Huê ở thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, chuyến đi này rất có ý nghĩa. Từ khi biết mình có tên trong danh sách 1.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang đi dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mẹ rất phấn khởi.

 

Người thân trong nhà thấy mẹ đã hơn 83 tuổi nên lo lắng, tuy nhiên, mẹ Huê biết sức khỏe của mình vẫn tốt, đặc biệt không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm có một này nên mẹ rất nôn nao chờ ngày lên đường. Vinh dự lớn thế này, mẹ Huê đã thỏa lòng mong ước.

 

Sinh ra, lớn lên và tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mẹ Huê cũng là một trong những phụ nữ dũng cảm tiễn chồng ra chiến trường. Sau đó, mẹ gạt nước mắt động viên đứa con trai duy nhất của mình tham gia cách mạng. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, cả chồng và con của mẹ đều hy sinh để giữ từng tất đất, giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, với mẹ Huê, việc nước đi trước việc nhà; vì lẽ đó mà nghị lực của người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó đã giúp mẹ vượt qua nỗi đau để sống đến ngày nay. “Xương máu, đau khổ và nhọc nhằn của dân tộc mình không biết bao nhiêu mà kể, nhất là phụ nữ Việt Nam. Thời chiến, mỗi khi được tin chồng hy sinh, con hy sinh không dám khóc, không dám nhìn, vì đâu có biết giặc ở gần hay ở xa. Bây giờ chồng con đều hy sinh, tôi chỉ còn sống một mình thôi”, mẹ Huê chia sẻ.

 

Đối với Anh hùng lao động Trịnh Văn Y ở tỉnh Bến Tre, để có thời gian dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều ngày qua, ông cùng với các cộng sự đã khẩn trương xây dựng hoàn thành cây cầu thứ 1.000 tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ông Y cho biết, đặc thù Bến Tre là vùng sông nước với nhiều cù lao và sông rạch, điều kiện đi lại rất khó khăn. Thực hiện chương trình xóa cầu khỉ và nhựa hóa đường giao thông nông thôn. Từ năm 2003, ông đứng ra tổ chức xây cầu ở các vùng quê khó khăn, vùng căn cứ cách mạng…

 

Từ các nguồn vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng sự đóng góp của bà con, hàng loạt cây cầu mới đã ra đời góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Bến Tre. Cây cầu thứ 1.000 vừa khánh thành ở Thạnh Phong rất có ý nghĩa bởi đây là vùng cách mạng, là nơi tiếp nhận vũ khí của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển phục vụ kháng chiến trước đây. Hiện nay điều kiện giao thông ở Thạnh Phong còn trở ngại, do đó cây cầu thứ 1.000 đã đáp ứng nguyện vọng của bà con, đồng thời hưởng ứng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh Hùng lao động Trịnh Văn Y cho biết: “Việc Hội cầu đường Bến Tre hoàn thành cây cầu thứ 1.000 là một món quà dâng lên Đại lễ. Bên cạnh đó, những cây cầu này sẽ góp phần tạo nên những kỳ tích mới trên quê hương xứ dừa”.

 

 Còn với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Thị Kiều (tức Mười Lý), sinh năm 1938, người đã 6 lần được gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội, việc được tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một chuyến đi rất có ý nghĩa.

 

Bồi hồi nhớ lại những lần được gặp Bác, bà xúc động kể lại lần gặp mà bà còn nhớ nhất là đầu tháng 11/1965, bà cùng với 4 người khác đều là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ miền Nam ra. Khi xe đến đón, nghe cán bộ bảo được đi gặp Bác là bà và các anh trong đoàn cuống lên. Lúc ấy, bà thay chiếc áo bà ba nhưng tay run rẩy, mãi không cài được cúc áo. Bỗng nhiên, bà thương nhớ bà con ở quê, ở miền Nam, đánh giặc vô vàn hy sinh gian khổ, để dành hạnh phúc cho bà được gặp Bác. Trước khi trở về miền Nam, bà Tạ Thị Kiều và các anh hùng miền Nam còn được mời ăn cơm với Bác. Hôm ăn cơm, Bác dặn: Được về quê hương vui mừng, nhưng cũng nhớ khiêm tốn với bà con, còn với kẻ thù không được lơ là cảnh giác.

 

Hôm nay, thêm một lần được ra Thủ đô, nhớ đến những lần gặp Bác, Anh hùng Tạ Thị Kiều bùi ngùi xúc động: “Tôi rất vui mừng được tham dự Đại lễ tại Hà Nội. Đây là một niềm vinh dự và tự hào. Trong thời gian còn lại cuả đời mình, tôi sẽ tiếp tục động viên, giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục cống hiến cho đất nước, xây dựng một đất nước giàu mạnh”.

 

Tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang cho rằng, đây là dịp để các thế hệ con cháu thấy được quá trình lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Qua đó, tiếp tục học tập, cống hiến sức mình để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh./.