Hiệu quả từ một dự án

09:21, 29/10/2010

Được triển khai từ năm 2008, Dự án“Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua cải thiện hành vi cá nhân và vệ sinh môi trường” do Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam thực hiện tại tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao sức khỏe người dân, giảm nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

 

Gia đình bác Đặng Quang Ngọc, xóm Việt Cường, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) bình dị như bao gia đình khác ở xóm thuần nông này. Nhưng trong ngôi nhà này, các thành viên trong gia đình đã hình thành một thói quen mà không phải nhà nào cũng làm được, đó là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng vào các thời điểm cần thiết như: Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, nhà có cháu nhỏ nên việc rửa tay với xà phòng khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn rất được gia đình chú trọng. Không chỉ người lớn mới thực hiện việc này thường xuyên, mà ngay cả trẻ nhỏ trong nhà cũng được rèn luyện một cách ý thức về rửa tay với xà phòng. Đây là một việc làm cần thiết để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình. Để thuận lợi cho việc làm này và tạo được ý thức tự giác, gia đình bác có chỗ rửa tay thuận tiện và lúc nào cũng thường trực sẵn bánh xà phòng ngay ở nơi rửa tay hàng ngày…

 

Gia đình bác Ngọc là một trong rất nhiều hộ gia đình thuộc các xã Cổ Lũng, Sơn Cẩm (Phú Lương), Hóa Thượng, Khe Mo (Đồng Hỷ) và năm nay là 2 xã Phúc Xuân và Quyết Thắng của T.P Thái Nguyên là các địa bàn được Dự án “Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường” chọn triển khai thí điểm. Có 4 lĩnh vực được Dự án chú trọng là đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh, quản lý và phân phát xà phòng. Riêng từ đầu năm 2010 đến nay, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh là đơn vị trực tiếp triển khai dự án - đã tổ chức được 7 lớp tập huấn về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường(VSCN, VSMT), kỹ thuật rửa tay bằng xà phòng đúng cách để phòng chống dịch bệnh cho hơn 300 người là các tuyên truyền viên, đại diện các ban, ngành, đoàn thể và giáo viên trong các trường học ở các xã, phường có dự án. Sau khi được tập huấn, các tuyên truyền viên đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông và đến các gia đình để cấp phát xà phòng và tuyên truyền giáo dục sức khỏe. Hàng trăm buổi giảng được thực hiện tại các trường tiểu học, THCS đã giúp cho hàng nghìn lượt học sinh được tác động về mặt nhận thức, được hướng dẫn các bước rửa tay bằng xà phòng đúng cách và hiểu rõ tác hại của bàn tay bẩn, từ đó nâng cao ý thức VSCN, VSMT. Đặc biệt, tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông rửa tay bằng xà phòng, phòng chống dịch bệnh năm 2010 tổ chức tại T.P Thái Nguyên đã thu hút gần 200 người tham dự, hưởng ứng.

 

Cũng trong năm nay, Dự án đã hỗ trợ xây mới và cải tạo 60 công trình bồn rửa tay với mức hỗ trợ 100.000 đồng/công trình. Tại  Trạm Y tế xã Phúc Xuân và Trường Tiểu học xã Quyết Thắng, Dự án hỗ trợ xây dựng 2 nhà tiêu tự hoại với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà tiêu. Tại các hộ gia đình, trường học, UBND, trạm y tế và những nơi công cộng của các xã triển khai, Dự án đã tổ chức phát gần 25.000 tờ rơi, tranh lật, trên 2.000 poster và 500 cuốn sách giảng dạy, cùng bộ công cụ cho các trường học. Cùng với đó, thông qua các tuyên truyền viên, Dự án đã phân phát gần 70.000 bánh xà phòng cho các hộ và bà mẹ có con nhỏ dưới 1 tuổi, trường học và các điểm được xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Qua giám sát cho thấy, hành vi VSCN, cải tạo nhà tiêu theo tiêu chuẩn, thu gom rác thải tại các gia đình trong vùng Dự án đã được cải thiện đáng kể: tăng trên 8,4% số hộ gia đình có nguồn nước sạch và gần 5,9% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh so với trước khi triển khai Dự án. Trên 80% số người dân, học sinh trong vùng Dự án được tuyên truyền về việc thực hiện hành vi VSCN, VSMT phòng chống dịch bệnh…

 

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay, hoạt động của Dự án đang tiếp tục được triển khai tại 2 xã của T.P Thái Nguyên là Phúc Xuân và Quyết Thắng - những xã có tỷ lệ người dân mắc các bệnh đường tiêu hoá cao và các điều kiện vệ sinh chưa được cải thiện với trên 50% số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, gần 30% số hộ chưa có nguồn nước hợp vệ sinh. Với mục đích góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, ưu tiên người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Dự án tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ làm tăng đáng kể tỷ lệ người dân, học sinh có nhận thức đúng về việc thực hành hành vi VSCN, VSMT, trong đó có mục tiêu biến hành vi rửa tay bằng xà phòng thành một thói quen không thể thiếu trong cộng đồng, nhất là trẻ em, nhằm góp phần ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, bệnh chân - tay - miệng… Hoạt động của Dự án cũng góp phần nâng cao tỷ lệ hộ có 3 công trình vệ sinh là: Nhà tiêu, giếng nước, nhà tắm đạt tiêu chuẩn, tạo sự bền vững trong phong trào xây dựng làng văn hoá sức khoẻ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2006 - 2010 của Chính phủ.