Hiệu quả từ một dự án

07:56, 12/10/2010

Tháng Mười, về Ôn Lương (Phú Lương), đi trên đường làng chúng tôi gặp các bác nông dân đang tíu tít hỏi nhau chuyện mùa màng. Tại trung tâm xã, chúng tôi được ngắm nhìn trụ sở làm việc của Đảng bộ, chính quyền xã còn mới màu sơn. Cạnh đó, trong Trung tâm giáo dục cộng đồng thấp thoáng bóng người qua lại. Và chợt tiếng đàn tính cất lên, khiến tâm trạng mỗi người trở lên háo hức, rồi lặng đi vì cảm động.

 

Thấy chúng tôi, bà Phạm Thị Huyền, 59 tuổi, ở xóm Trung tâm, thành viên lớp học bảo: Đây là lớp học đàn Tính, hát Then được Dự án Phát triển cộng đồng do Tổ chức Bánh mì thế giới (tổ chức phi Chính phủ - châu Âu) tài trợ giúp đỡ. Lớp có 15 người được lựa chọn từ các chi hội cơ sở đưa lên. Mục đích của Dự án là sau khi các hội viên được tham gia học tập, trở về sẽ là những hạt nhân nòng cốt xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở, qua đó người dân địa phương có điều kiện tốt hơn trong việc giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

 

Mục đích của Dự án là nâng cao kiến thức, giải phóng sức lao động cho phụ nữ vùng khó khăn, nên đã thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Bà Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Lương cho biết: Thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai, Phú Lương được Dự án hỗ trợ, giúp đỡ 1 mô hình tại xã Ôn Lương từ năm 2007 đến nay, mô hình triển khai thực hiện tại 2 xóm Na Pặng và Thâm Trung. Là nơi đồng bào các dân tộc Tày, Sán Chí chiếm đa số và tỉ lệ hộ nghèo cao, trong đó xóm Na Pặng có 30/100 hộ nghèo; xóm Thâm Trung có 21/70 hộ nghèo. Nhờ triển khai thực hiện Dự án có hiệu quả, nhiều hội viên đã chuyển đổi được tư duy trong phát triển kinh tế, cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, vì thế đời sống của hội viên dần được nâng cao, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 30% năm 2008 xuống còn hơn 20% số hộ nghèo hiện nay…

 

Chị Nguyễn Thị Bằng, Chi hội phụ nữ xóm Na Pặng cho biết thêm: Hoạt động của Dự án đã cho hội viên phụ nữ “kiến thức mở”, tức hội viên phụ nữ không chỉ được học tập những kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ môi trường; bình đẳng giới… mà qua đó còn được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt được trao đổi theo từng chuyên đề, như sản xuất lúa giống mới; chế biến chè an toàn; chăm sóc sức khỏe sinh sản… Trong thảo luận, các hội viên tự nêu câu hỏi và tự tìm câu trả lời, cán bộ Dự án làm vai trò hướng dẫn, gợi ý và giải đáp câu hỏi khó. Do vậy hội viên “thuộc bài” ngay tại lớp tập huấn.

 

Về Na Pặng, đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Mai, chúng tôi được chị giới thiệu về chiếc máy sao chè của gia đình. Chị Mai khoe: Nhờ có chiếc máy này mà gia đình tôi chủ động hơn trong việc sản xuất… Với hơn 4.000 m2 đất trồng chè, nhờ có máy chế biến tại nhà, chị Mai không phải đi thuê mượn máy, đồng thời một số hộ trong xóm chưa có điều kiện mua máy cũng mang chè tươi đến nhà chị Mai sao nhờ. Cùng ở Na Pặng, gia đình chị Nguyễn Thị Bấm được Dự án hỗ trợ tiền xây dựng bể chứa nước sạch; nhà chị Dương Thị Phương được hỗ trợ tiền mua máy xay sát…

 

Ngồi trước màn hình chiếc máy vi tính do Dự án cho tài trợ, bà Ma Thị Báu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã tự hào: Dự án đã cho hội viên chúng tôi cái lớn hơn cả tiền, đó là giúp hội viên biết sử dụng “chiếc cần câu lấy cá”… Từ năm 2007 đến nay Dự án đã mở được hơn 20 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời hỗ trợ cho một số hội viên nghèo thiết bị sản xuất như: Máy sao chè, máy xát lúa mini, máy bơm nước, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, bể nước ăn và hướng dẫn cho gia đình hội viên xây dựng công trình vệ sinh. Riêng công trình vệ sinh, Dự án hỗ trợ cho 5 hộ xây dựng. Sau khi đưa vào sử dụng, các gia đình hội viên trong xã đã đến xem mô hình, thấy rất vệ sinh nên đã tự đầu tư xây dựng để sử dụng. Trong tháng 9 năm nay, Dự án đã mở được 5 lớp tập huấn cho hội viên, trong đó có 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; 1 lớp tập huấn về cách phòng tránh HIV/AIDS; 1 lớp về bình đẳng giới và 1 lớp hát Then.

 

Trở lại Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã, chúng tôi được chứng kiến các chị trong đội “văn công” đang say sưa nền nảy sợi dây đàn. Ai lấy đắm hồn vào điệu Then mà quên đi những mỏi mệt của cuộc sống đời thường. Bà Nguyễn Thị Lâu (Thâm Trung) tỏ bày: Mấy ngày đầu đến học đàn tính, nhìn tay gảy thì mất tay bấm… Bà Lưu Thị Viễn (Na Pặng) đập nhẹ tay vào bả vai mình, bảo: Giờ quen, không thấy đau mỏi nữa. Còn bà Phan Thị Tú Oanh cho biết: Tôi đã tập với cây đàn tính từ tấm bé, nhưng quên hết, nay được đi học lại, nên thấy mê ngay… Thầy dạy của lớp học là Nghệ sĩ ưu tú Nông Văn Khang. Thầy Khang người dân tộc Tày, nhà ở xã Yên Ninh (Phú Lương) được Dự án mời sang dạy đàn tính, hát Then. Thầy Khang tâm sự: Trong thời gian 10 ngày (từ 13 đến 22-9), các chị trong đội “văn công” xã Ôn Lương đã biết nảy dây đàn và thuộc lời Then… Qua các chị, làn Then tiếp tục được nhân rộng trong cộng đồng dân cư.