Ngày Doanh nhân: Tôn vinh và suy ngẫm

09:04, 13/10/2010

Từ 2004 trở đi, trong danh sách các sự kiện và lịch lễ tân quốc nội, hằng năm sẽ có thêm Ngày Doanh nhân. Ngày doanh nhân (DN) 13/10 được xem là cột mốc đánh dấu sự thừa nhận của xã hội với bộ phận DN trong nước. Có thể nói số lượng DN cả nước cho đến bây giờ lên đến hàng trăm ngàn bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Con số này đã đông đảo hơn so với trước rất nhiều và điều hết sức quan trọng là đại đa số những người này đều là những người mới, những người trẻ tuổi. Về mặt trình độ DN chúng ta ngày nay cũng khá hơn so với trước rất nhiều, rất nhiều người trẻ được đào tạo có bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài đã về nước mở công ty với một niềm tâm huyết, với nghị lực chịu khó khiến nhiều người thật sự khâm phục.

 

"Doanh nhân" là một từ được các phương tiện truyền thông của Việt Nam sử dụng để xác định một thành phần kinh tế tư nhân mới xuất hiện từ sau những năm 90. Các doanh nhân xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đều là những con người đã thành đạt trong sự nghiệp của mình, điều này tạo ra một hiệu ứng tâm lý rằng: cứ "được gọi" là doanh nhân có nghĩa là người đó là người có nhiều tiền. Thực tế, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có người thành kẻ bại. Doanh nhân được hiểu là những người chủ chốt trong việc quản trị, điều hành một doanh nghiệp. Đó có thể là những người đại diện cho các cổ đông, cho các chủ sở hữu (thành viên Hội đồng Thành viên, Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát) hoặc trực tiếp điều hành các doanh nghiệp (thành viên Ban Giám đốc).

 

Hiểu theo nghĩa rộng thì doanh nhân là những người có vị trí trong một doanh nghiệp và làm công việc quản trị trong doanh nghiệp. Vai trò chính của doanh nhân là xây dựng các doanh nghiệp, vận hành, phát triển chúng để làm ra hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Doanh nhân phải làm ra lợi nhuận và biết đóng góp cho xã hội. Từ trước đến nay, doanh nhân Việt Nam chủ yếu cố gắng chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nay đã bắt đầu có những đầu tư ra nước ngoài.

 

Nhìn lại vai trò của tần lớp doanh nhân trong xã hội từ xưa đến nay, thời phong kiến trrong câu "Sĩ, nông, công, thương", doanh nhân (các thương gia thời đó) đứng ở cuối các thang bậc của xã hội. Chính vì vậy, khi các thương gia thành công, có nhiều tiền, họ sẽ cố đầu tư cho con học đi thi để được gia nhập vào tầng lớp "sĩ" (quan lại, sĩ phu..." hoặc đem tiền trở về quê mua thật nhiều ruộng đất, bắt đầu một quá trình tự "nông dân hóa" để gia nhập trở lại vào tầng lớp "nông". Cũng bởi lẽ đó suốt thời kỳ này tầng lớp doanh nhân không phát triển được.

 

Sang đến thời kỳ thực dân: Tầng lớp doanh nhân Việt Nam thực sự hình thành và phát triển. Về mặt số lượng họ khá đông đảo và bắt đầu một quá trình tích tụ nguồn vốn, tri thức và kinh nghiệm để vươn lên kinh doanh và cạnh tranh lại với tư bản nước ngoài. Nhiều người trong số họ là những người xuất chúng và có những hành động yêu nước thiết thực như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà...Do có khả năng tài chính, các doanh nhân đều đầu tư cho con cái học hành bài bản và nhiều người trong số này đã trở thành các nhà cách mạng.

 

Thời kỳ sau giải phóng (miền Bắc từ sau 1954, miền Nam từ sau 1975 đến năm 1990), tầng lớp doanh nhân gần như bị phân rã. Họ không xuất hiện và không được công nhận trong xã hội. Các pano, áp phích cổ động chỉ có hình ảnh của công - nông - binh, không có doanh nhân và không có cả trí thức.

 

Từ 1990 đến nay, sau Đổi mới, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời ngày 21 tháng 12 năm 1990 đã mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân ra đời và cùng với đó là sự hồi sinh, phát triển của tầng lớp doanh nhân Việt Nam. Tầng lớp doanh nhân thực sự có nhiều khởi sắc và có vị trí lớn, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Họ xứng đáng được tôn vinh trong ngày của mình.

 

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng bên cạnh những cái được của đội ngũ doanh nhân ngày hôm nay vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Cùng với sự làm ra ngày càng nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của xã hội, trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường sống chưa phải lúc nào nơi nào cũng được coi trọng. Thế nên mới có chuyện người dân khởi kiện doanh nghiệp vì mải mê với việc sản xuất kinh doanh mà quên đi tác động xấu đến đời sống của người dân. Thế mới có chuyện người tiêu dùng khởi kiện sản phẩm của doanh nghiệp chưa đạt chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Đảm bảo lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm, đó là cái đích mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đang hướng tới. Tuy nhiên, để đạt được điều đó cần sự nỗ lực rất nhiều của tầng lớp doanh nhân Việt Nam.