Người hồi sinh đảo hoang

10:47, 26/10/2010

Đang tại vị chức Thường trực Đảng ủy xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), ông Lăng Văn Tuất xin nghỉ công tác đã phiêu du ra hòn đảo giữa lòng hồ Núi Cốc để sống cảnh màn trời chiếu đất với ước vọng làm xanh lại những cánh rừng trên các hòn đảo. Sau nhiều  năm ròng chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, ông Tuất đã biến  hòn đảo trơ trọc thành rừng xanh…      

Bỏ nhà ra hoang đảo trồng rừng…để chữa bệnh

 

Để đến được hòn đảo mà ông Lăng Văn Tuất miệt mài bỏ công sức cải tạo trong nhiều năm qua, chúng tôi phải túc trực cả buổi sáng đợi ông chèo thuyền độc mộc từ trong đảo ra đón. Mặt trời quá ngọ, phía xa xa giữa lòng hồ Núi Cốc bồng bềnh huyền ảo, cái bóng cao lênh khênh gầy còm của ông Tuất đổ dài về phía mũi thuyền. Không kịp để ông nghỉ ngơi, chúng tôi đề nghị ông quay thuyền trở lại đảo.

 

Vừa khoan thai chèo thuyền, nhẹ nhàng như lướt trên sóng, ông Tuất vừa trò chuyện: Tôi sinh năm 1957. Năm 21 tuổi, tôi xung phong lên đường nhập ngũ cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh Biên giới 1979. Đến năm 1981, thì được xuất ngũ trở về quê hương. Sau đó, tôi tham gia công tác xã hội ở xã Phúc Trìu. Vẻ mặt ông Tuất trở nên suy tư khi tâm sự về thời gian công tác tại địa phương: “Tôi làm Thường trực Đảng ủy xã Phúc Trìu được vài năm thì mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nên thường xuyên phải xin nghỉ làm để đi chữa bệnh nhưng không khỏi. Tưởng rằng cái chết đã cận kề thì tôi nghe tin Bệnh viện Quân y 108 mới có phương pháp điều trị ung thư mới bằng phương pháp xạ trị nên người nhà đã đưa tôi về đó với chút hy vọng mong manh còn nước còn tát. Sau một thời gian điều trị, bệnh tình có chút thuyên chuyển. Sức khỏe được phục hồi nhưng tôi nghĩ chắc cũng chẳng sống được lâu nên xin thôi công tác ở xã và suy nghĩ tìm cách làm kinh tế với hy vọng để lại một chút tài sản cho vợ con sau này. Năm 1990, Nhà nước có chính sách phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Dự án trồng rừng 327, tôi đã đăng ký tham gia và được Nhà nước giao trên 60ha đất đồi trọc ở giữa hồ Núi Cốc…”.

 

Theo lời ông Tuất, trước khi đóng nước hồ Núi Cốc, nhiều người dân sống trong vùng đã tận thu tất cả những gì mọc trên đồi núi nên chỉ trong một thời gian ngắn, cả nghìn ha rừng biến thành những quả đồi trơ trọc. Những năm tháng đấu tranh giành sự sống với căn bệnh ung thư quái ác khiến ông Tuất rất khổ sở nhưng công việc trồng rừng vẫn được ông duy trì. Giao thông đường thuỷ cách trở nên mỗi khi ôtô chở cây giống về đến trung tâm xã là ông lại cùng vợ gồng gánh hơn hai cây số đường rừng rồi cho cây lên thuyền độc mộc chèo cả tiếng đồng hồ mới ra đến đảo. Sau đó, hai vợ chồng ông lại hì hục cuốc đất để trồng cây đến quá trưa mới nghỉ. Công việc đó diễn ra liên tục suốt 3 năm trời khiến ông Tuất chỉ còn lại một bộ da bọc xương. Nhưng lạ thay, chính ý chí làm việc phi thường của ông mà bệnh tật trong ông đã giảm hẳn. Ông không còn cảm thấy đau đớn.

 

Sự khó khăn nhất mà ông Tuất phải vượt qua không phải là bệnh tật đeo bám mà là sự thiếu thốn và cô đơn vì đang sống vui vẻ bên người thân, hàng xóm nay chỉ có hai vợ chồng chịu cảnh đèn dầu giữa mênh mông sóng nước. Có những hôm trời mưa bão, căn lều dựng tạm bằng tre nứa của ông Tuất xiêu vẹo theo từng cơn gió. Vợ thì khóc sướt mướt còn ông Tuất chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa tấm thân gầy còm ướt như chuột lột che chở cho vợ và tự nhủ cái chết cận kề còn vượt qua được huống chi những chuyện nhỏ nhặt này…

 

Cùng tham gia Dự án trồng rừng với ông Tuất ngày đó có 25 hộ dân khác. Chính quyền xã Phúc Trìu đã quyết định thành lập lên xóm Lòng Hồ nhưng giờ chỉ còn mỗi gia đình ông bám trụ được ở hòn đảo vắng vẻ này. Ngay từ những ngày đầu nhận Dự án trồng rừng phòng hộ, ông Tuất đã chọn cách làm khác với các hộ. Trong khi mọi người trồng keo thì ông trồng trám và khoanh nuôi những cây gỗ bản địa còn sót lại. Lúc đầu, một số người bảo ông là “dở hơi”. Nhưng giờ, ai cũng công nhận đó là cách làm hiệu quả. Để có nguồn thu nhập thường xuyên, ông Tuất  quây lưới nuôi cá nên mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng tiền bán cá.

 

Tạo dựng rừng trám giữa hồ

 

Do nắm được đặc tính của cây trám có tuổi thọ lâu năm, lại có khả năng phòng hộ rất tốt nên trong số các loại cây ông trồng có một diện tích không nhỏ ông trồng cây trám. Đặc biệt, loại cây này còn cho quả có giá trị kinh tế cao, giúp người trồng rừng có nguồn thu nhập ổn định. Với gần 1.000 gốc trám đen, trong đó có một số cây đã bắt đầu cho thu hoạch, không lâu nữa, rừng trám sẽ là nguồn thu nhập lớn của gia đình ông. Cả một hòn đảo rộng trên 60ha, ngoài những khu vực trồng cây trám đen và keo, ông Tuất còn khoanh nuôi được số lượng lớn cây gỗ quý như: kháo, lát, sồi, lim xanh… Có cây giờ đã có đường kính tới 30cm. Chính vì cái sự đa dạng ấy mà khu đảo của ông Tuất được chọn để quy hoạch phát triển thành khu rừng sinh thái phục vụ cho hoạt động du lịch.

 

Cứ nhắc đến trồng rừng là ông Tuất lại hồ hởi như một chuyên gia lâm nghiệp thực thụ: “Mình phải gây dựng để làm sao không mất đi cái tự nhiên vốn có của rừng. Như vậy rừng mới phong phú và đa dạng sinh học được. Bây giờ nó là rừng tái sinh thật đấy, nhưng mai sau rất có thể nó lại trở thành rừng nguyên sinh như lúc ban đầu. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách bảo vệ và chăm sóc rừng, biết cách dựa vào rừng để mà duy trì cuộc sống hàng ngày.”

 

Ngồi ở giường tủm tỉm nghe chồng say sưa nói chuyện về rừng, bà Giang Thị Tươi - vợ ông Tuất giờ mới có dịp để tự hào về cái tầm nhìn của chồng. Bà tâm sự: “Ngày mới theo ông ấy vào đây trồng rừng, tôi lo lắng lắm nhưng ông nhà tôi được cái “dẻo miệng” nên đã thuyết phục được tôi ở lại. Giờ thì cuộc sống của vợ chồng tôi đã bớt khó khăn, đã có của ăn, của để cho con cái học hành. Điều mừng hơn là nhờ có sự lao động miệt mài mà chồng tôi đã quên đi bệnh tật”.