Về lâu dài việc tính giá điện sẽ thực hiện theo thị trường. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn chứ không thể bao cấp giá điện cho toàn xã hội.
Ngày 30/9 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
Cùng với tập trung thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng qua, các thành viên Chính phủ đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xử lý các vấn đề nổi lên của nền kinh tế nhằm tăng cường kiểm soát giá, bình ổn thị trường, đảm bảo cung cầu thị trường hàng hóa từ nay đến cuối năm.
Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi nhanh trong 9 tháng qua.
Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định khi Chính phủ kiểm soát được lạm phát; tăng thu ngân sách và giảm bộ chi ngân sách nhà nước; nhập siêu kiểm soát giảm xuống còn dưới 17% kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu thấp nhất so với các năm qua.
Tốc độ tăng truởng kinh tế trong 9 qua đạt 6,52%, tiền đề quan trọng đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% ước trong cả năm nay. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được củng cố vững chắc…
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lạc quan về khả năng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng phân tích rõ những vấn đề còn tồn tại nổi lên đối với nền kinh tế cần theo dõi và tập trung chỉ đạo khắc phục, nhất là chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đang có xu hướng tăng và tình trạng thiếu điện.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và các địa phương đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dứt khoát không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sữa...
Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp kiểm soát giá, phấn đấu đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 8% trong cả năm nay.
Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt đảm bảo cả yêu cầu kiểm soát lạm phát và mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trước hết từ nay đến cuối năm giữ ổn định tỷ giá và tiếp tục kéo giảm mặt bằng lãi suất.
Các bộ, ngành và địa phương dự trữ sớm hàng hóa phuc vụ Tết Nguyên đán gắn với tăng cường công tác kiểm soát và quản lý thị trường; tập trung quyết liệt dập tắt và ngăn chặn các dịch bệnh bùng phát.
Thủ tướng giao 3 bộ: GTVT, Xây dựng, NN&PTNT phối hợp với nhau tính toán cân đối tiêu thụ xi măng trong nước theo hướng đưa xi măng vào phát triển đường giao thông nông thôn và cứng hóa kênh mương nội đồng.
Phân tích nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu điện, Thủ tướng nêu rõ xét cho cùng là do tổ chức, điều hành, nếu thực hiện đúng quy hoạch Tổng sơ đồ điện 6 sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như hiện nay.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình Thường trực Chính phủ các biện pháp cụ thể trước mắt đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, trong đó chú ý tìm kiếm nguồn điện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện, thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả nhất cũng như tính toán tổ chức lại mạng lưới sản xuất và cung cấp điện…
Còn về lâu dài cần tạo chuyển biến mạnh mẽ thị trường cung cấp điện trên tinh thần tính giá điện theo thị trường, nhà nước chỉ hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn chứ không thể bao cấp giá điện cho toàn xã hội.
Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trong năm nay.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Hà Nội tổ chức thành công Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội cũng như chuẩn bị tổ chức chu đáo các hội nghị quốc tế lớn tổ chức trong thời gian tới …
Cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận một số vấn đề quan trọng khác như tình hình hoạt động của Vinashin, Quy hoạch sử dụng đất đến đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 – 2015 của cả nước…
Đây là các vấn đề dự kiến Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 diễn ra trong tháng 10 tới./.