Về xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, trong 1 ngày nắng ráo khi cơn lũ mới đi qua, xe chúng tôi chòng chành trong bùn đất, cánh đồng lúa mênh mông được phủ lên một lớp bùn đỏ, trên đồng chỉ còn sót lại vài ruộng sắn khẳng khiu với những chiếc lá vàng chờ rơi.
Thương về “rốn lũ”
Người dân vùng bị lũ thuộc huyện Hương Khê, sống chủ yếu dựa vào nhờ nông nghiệp, chăn nuôi, có tới trên 40% số hộ nghèo và cận nghèo.
Ba năm về trước 1 cơn lũ lớn đã làm họ trắng tay, nay lũ lại về, cướp đi những gì người dân mới gây dựng lại. Không biết từ bao giờ, Hương Khê mang tên là “rốn lũ”.
Ôm trên tay thùng mì tôm do anh Nguyễn Văn Hùng - Phó bí thư ĐoànTNCS Đài TNVN vừa trao tặng, Cụ Đinh Văn Ba 80 tuổi, xóm 6 Hưng Bình, xã Lộc Yên nghẹn ngào, thương cho con, cháu vụ này sẽ bị đói, bởi đứa thì mất đàn lợn, đứa thì mất hàng trăm con gà, thóc thì bị lên mầm…
Gần đó mấy chị luống tuổi đang ngồi nói chuyện, dáng vẻ mệt mỏi của những ngày chạy lũ vẫn còn hiện trên khuôn mặt, khóe mắt đỏ hoe bởi nước lũ, da mặt bợt bạt vì thức đêm… Lũ về quá nhanh khiến không ai kịp trở tay.
Chúng tôi vào thăm gia đình anh Hãn Duy Điền, người cùng thôn với cụ Ba. Hai bố con anh đang cố tìm những ngọn rau còn sót lại trong vườn, đứa con gái nhỏ chạy lõm bõm theo bố .
Anh Điền tiếp chúng tôi trong căn nhà tan hoang (bị lũ tàn phá gần một nửa – PV), đồ đạc gần như không còn gì ngoài những chiếc xoong mang theo khi lên núi tránh lũ.
Bố con anh vừa đi tránh lũ mà không có sự chăm sóc của người phụ nữ. Vợ anh cùng 3 cháu lớn đã vào miền
Chúng tôi hỏi khi nào thì sửa lại nhà, anh nhìn chúng tôi với lắc đầu. Ngôi nhà bố con anh đang trú ngụ có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, 2 bên vách đã bị lũ cuốn trôi, 2 vách còn lại bị lở loét, ngồi trong nhà có thể nhìn thẳng lên trời, cột kèo xập xệ. Lũ vừa qua, mùa đông lại sắp tới, liệu căn nhà này có thể giữ ấm cho 3 bố con anh!
Không riêng gì gia đình anh Điền, rất nhiều nhà dân cũng bị hư hại. Theo con số thống kê chưa cụ thể chỉ riêng trong xã Lộc Yên có tới trên 50 ngôi nhà bị hư hại. Lũ đã qua nhưng hậu quả nó để lại là rất lớn.
Vì đâu lũ về tàn phá?
Dấu tích để lại sau lũ là bằng chứng sát thực nhất, lũ thường xuyên xảy ra có sự "góp sức" của bàn tay con người. Những thân cây lớn (những phần thừa mà lâm tặc để lại) bị lũ cuốn phăng, xoáy cuộn thành từng đống lớn (khu vực ven đê xã Lộc Yên), có đống lên đến 6-7 m3
Chỉ trong vài trăm mét dọc bờ đê, chúng tôi được chứng kiến hàng nghìn thân cây còn lại sau lũ, đống to, đống bé tràn ngập từ bờ đê đến các nhà dân.
Mặc dù sau lũ số lượng gỗ tụ lại ở đây là rất lớn, nhưng chắc chắn đó chỉ là phần nhỏ trong dòng nước ở thượng nguồn mang về.
Phải chăng, rừng đầu nguồn, nơi lắng đọng, giữ nước cho các dòng sông, hạn chế lũ cho hạ lưu, đã bị tàn phá rất nặng nề! Cùng với đó, việc ngăn dòng chảy bất hợp lý là một trong những nguyên nhân gây ra lũ có bàn tay của con người.
Ngoài việc cứu trợ kịp thời cho người dân bị lũ sớm ổn dịnh cuộc sống, việc để họ có cuộc sống ổn định, bền vững vẫn là câu hỏi cần có lời giải đáp.