Lương tối thiểu được đề nghị tăng lên 830 nghìn đồng/tháng từ 1/5/2011 (tăng 13,7%). Như vậy, nếu chỉ nhìn mức lương tối thiểu, rõ ràng thu nhập của người lao động tăng đều đặn hàng năm.
Tuy nhiên việc tăng lương đang được cho là không thực tế khi việc tăng giá bao giờ cũng song hành và thậm chí còn diễn ra trước khi người lao động được tăng lương.
Tại một hội thảo vừa được tổ chức tại Tp. HCM, bà Nguyễn Thi Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, hàng năm thu nhập bình quân của người lao động tăng ít nhất là gần 14%, có năm tăng đến hơn 21%. Song, thực tế cho thấy thu nhập danh nghĩa của người lao động tăng, nhưng mức độ cải thiện vẫn chậm.
Theo bà Hương, thu nhập danh nghĩa của người lao động những năm gần đây được cải thiện, đặc biệt nhóm lao động làm công ăn lương, do tác động của cải cách chính sách hơn là tăng năng suất lao động.
Thu nhập bình quân lao động thời kỳ 2002-2008 tăng 13,7%/năm, đạt mức kỷ lục 21,9%/năm thời kỳ 2006-2008 chủ yếu nhờ vào các điều chỉnh tiền lương tối thiểu (từ 180 nghìn đồng vào cuối năm 2000 lên 350 nghìn đồng năm 2005, 450 nghìn đồng năm 2006, 650 nghìn đồng năm 2009, 730 nghìn đồng vào năm 2010)
TS. Trần Xuân Cầu, trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng có chung quan điểm khi đưa ra sự so sánh giữa việc tăng lương tối thiểu và lạm phát. Ông Cầu cho rằng, thu nhập bình quân năm thậm chí tăng hơn cả mức tăng bình quân năm của GDP. Tuy nhiên, mức tăng đó lại không đáp ứng được nhu cầu của người lao động.
Nguyên nhân chủ yếu theo ông Cầu là do kinh tế nước ta ngày càng hội nhập với các nước, nhất là các nước phát triển, đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng trước đây và làm xuất hiện nhiều nhu cầu mới, thậm chí có những nhu cầu vượt quá khả năng. Bên cạnh đó, lạm phát trong thời kỳ qua tiếp tục tăng. Chỉ tính riêng năm 2008, lạm phát đã tăng 22,97% so với năm 2007. Số liệu về tăng giá tiêu dùng trong những năm gần đây, đặc biệt là các hàng hóa lương thực, thực phẩm đã cho thấy điều đó.
Vì thế, mức tăng lương tối thiểu trên vẫn chưa đáp ứng được mức tăng của lạm phát chứ chưa nói đến duy trì và nâng cao mức sống của người lao động do tăng lương.
Xung quanh vấn đề lương tối thiểu và thu nhập thực tế của người lao động, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi cách tiếp cận trong cải cách tiền lương ở nước ta hiện nay, đó là tăng lương phải gắn với năng suất lao động chứ không phải gắn với chỉ số giá tiêu dùng.
Cho đến nay, xét tăng lương tối thiểu hàng năm được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như GDP, CPI, mức tăng tiền công trên thị trường…Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được xem là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc điều chỉnh lương tối thiểu, điều này theo đại diện một số doanh nghiêp là thiếu thiết thực, bởi tăng lương phải đi kèm với tăng năng suất lao động, gắn với năng suất lao động thì mới thực chất, mới thúc đẩy được sự phát triển cho cả hai bên (doanh nghiệp và người lao động).
Thực tế, hiện có không ít doanh nghiệp đã trả lương theo năng lực và năng suất lao động. Theo nguyên tắc chung, để đảm bảo cho sự phát triển thì tăng lương phải thấp hơn tăng năng suất lao động. Ở nước ta không hoàn toàn như vậy khi nguyên tắc đó chỉ mới được áp dụng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.
Một nghiên cứu về phân phối tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp mới được viện Khoa học lao động và xã hội công bố cho thấy, năm 2007 so với 2006 tốc độ tăng lương bình quân trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,8%, năng suất lao động tăng 18,6%. Trong doanh nghiệp tư nhân, lương bình quân tăng 11%, năng suất lao động tăng 14,1%.
Trong khi đó, lương bình quân trong doanh nghiệp nhà nước là 14,9%, tăng cao hơn năng suất lao động (13,5%). Thậm chí, tại một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, lương bình quân tăng 40,5% trong khi tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 19,6%.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương cho rằng, điều này thể hiện hiệu quả tiền lương chưa tích cực trong các doanh nghiệp nhà nước, nơi mà người lao động hưởng lương theo ngân sách.
Với cách làm đó, tăng lương sẽ không bao giờ đuổi kịp tốc tộ tăng giá. Lương tăng, giá tăng, nhưng năng suất lao động không tăng thì thu nhập thực tế của người lao động vẫn chỉ là tăng trên danh nghĩa.