Đại lộ Thăng Long với tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng và có vai trò đặc biệt quan trọng chi phối định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030
Sáng 3/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức lễ thông xe và gắn biển Đại lộ Thăng Long. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội tới dự.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Đại lộ Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng chi phối định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quyết định quy mô, tính chất của đô thị vệ tinh Hoà Lạc và các đô thị vệ tinh xung quanh, tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển của các huyện, thị xã phía Tây Thành phố Hà Nội. Đặc biệt, tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc – một trong những dự án lớn, có tác động lớn tới kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh”.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Hà Nội có thêm một công trình giao thông mới, hiện đại có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển toàn diện của Thủ đô. Đại lộ Thăng Long được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chính là một điểm nhấn rõ nét về sự phát triển không ngừng của thủ đô ngàn năm tuổi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Hà Nội cần tiếp tục đầu tư hệ thống quản lý tổ chức giao thông hiện đại. Chính phủ cũng mong rằng Thủ đô Hà Nội tiếp tục nỗ lực phát huy khí thế hào hùng của 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, phấn đấu năng động, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa để huy động mọi nguồn lực, tìm ra cách làm hay để ngày càng có nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô Hà Nội”.
Đại lộ Thăng Long là một trong những đại lộ dài nhất Việt Nam với tổng chiều dài 30 km, bao gồm 2 đường cao tốc với 6 làn xe và 2 đường song hành, mỗi đường 2 làn xe. Ngoài ra, trên toàn tuyến còn có 130 cầu, 3 hầm chui quy mô lớn và 6 nút giao lập thể, trong đó nút giao Hòa Lạc sau khi hoàn thành sẽ là nút giao lập thể lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đại lộ bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường Quốc lộ 21A, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh.
Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hoà Lạc nay là Đại lộ Thăng Long, được khởi công vào tháng 3/2005 với tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng. Tại lễ khai trưởng, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã báo cáo với Thủ tướng quá trình thực hiện Dự án xây dựng Đại lộ Thăng Long. Theo đó, đây là tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên tại Việt
Kết thúc buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng lãnh đạo các bộ làm lễ gắn biển đặt tên công trình, cắt băng thông xe Đại lộ Thăng Long./.