Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan hành chính công, phát huy năng lực của cán bộ công chức, viên chức (CBCC, VC) trong 5 năm trở lại đây các ngành chức năng của tỉnh và 9 huyện, thành, thị đã quan tâm đặc biệt đến chất lượng đầu vào khi tuyển dụng CBCC, VC.
Cùng với đó, ngành Nội vụ tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành, thị mở nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ để giúp CBCC, VC hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao…
Toàn tỉnh hiện có 1.804 cán bộ, công chức (CBCC) đang công tác tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và có 17.575 viên chức (VC) đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Về trình độ, cả CBCC và VC có 16 người là tiến sĩ, 480 người là thạc sĩ, 7.333 người có trình độ đại học còn lại là có trình độ từ sơ cấp tới cao đẳng. Đội ngũ CBCC,VC của tỉnh cũng thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn về lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học. Hiện có 42,4% số CBCC có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên, 62,36% CBCC, VC được đào tạo về tin học từ trình độ sơ cấp trở lên, 63,86% CBCC, VC được đào tạo về ngoại ngữ. Tuy nhiên, qua đánh giá của ngành Nội vụ tỉnh, đội ngũ CBCC, VC cấp tỉnh và cấp huyện đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn, chính trị nhưng vẫn cần phải thường xuyên trang bị các kỹ năng bổ trợ để đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao trong quá trình giải quyết công việc chuyên môn.
Xác định như vậy nên từ năm 2006 đến năm 2008, Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch và tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, 9 huyện, thành, thị mở các lớp trang bị kỹ năng về nhiều lĩnh vực cho CBCC, VC. Kết quả là sau 3 năm đã có 237 CBCC được đào tạo trình độ cử nhân, cao cấp chính trị; 5.607 người được đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị; 17 người được đào tạo ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; 201 người được đào tạo chuyên viên chính và tương đương; 750 người được đào tạo ngạch chuyên viên… Riêng trong công tác chuyên môn đã có 396 người được đào tạo trình độ sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II…); 170 có trình độ đại học; gần 1.300 người được đào tạo về ngoại ngữ và tin học.
Đặc biệt trong giai đoạn 2009 và 2010, Sở Nội vụ đã khảo sát và phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tiến hành mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về một số lĩnh vực như: địa chính - xây dựng; văn hóa - thể thao; văn thư - lưu trữ; công tác tôn giáo; cải cách hành chính… Do vậy, năm 2009 đã có 1.705 CBCC được bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn (tăng trên 50% so với kế hoạch) và 9 tháng năm 2010 có 4.705 CBCC được trang bị kỹ năng nghiệp vụ. Đồng chí Dương Hoài Nam, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Thái Nguyên tâm sự: “Lĩnh vực quản lý đất đai vô cùng phức tạp vì văn bản pháp quy chưa đồng bộ, nhanh thay đổi nên việc tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn là cần thiết và nên thực hiện thường xuyên”.
Một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc trang bị kỹ năng làm việc cho CBCC, VC là từ năm 2009 đến nay, Sở Nội vụ đã tổ chức nhiều lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số như: tiếng Tày, tiếng Nùng… cho CBCC, VC đang công tác tại các ban, ngành của tỉnh và cấp huyện. Mặc dù đây là công việc khó và thời gian học kéo dài nhưng thủ trưởng các đơn vị đều tạo điều kiện để CBCC, VC tham gia học tập đầy đủ, các giảng viên tận tình giảng dạy nên đã có trên 100 học viên sử dụng được tiếng dân tộc khi làm việc với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Việc làm này đã giúp CBCC, VC của các đơn vị, địa phương trong tỉnh tự tin khi đến công tác tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tạo sự gần gũi giữa CBCC, VC với nhân dân.
Đồng chí Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ khi trao đổi về vấn đề này đã khẳng định: “Để CBCC, VC đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới, Sở Nội vụ đã, đang tham mưu với UBND tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày nhằm trang bị kỹ năng làm việc về nhiều lĩnh vực. Sau hơn 4 năm thực hiện việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho CBCC, VC có những chuyển biến rõ rệt như hầu hết hết CBCC, VC sử dụng được máy vi tính trong giải quyết công việc, kiến thức pháp luật trong nhiều lĩnh vực được cập nhật thường xuyên nên việc giải quyết công việc thuận lợi hơn rất nhiều…”.
Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính công, phát huy năng lực của CBCC, VC. Do vậy, vấn đề này nên được các ngành chức của tỉnh, cấp ủy, chính quyền 9 huyện, thành, thị tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để từng bước xây dựng đội ngũ CBCC, VC trên địa bàn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh.