Về Cà Đơ

14:11, 13/10/2010

Xóm Cà Đơ, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa có địa hình trải dài trên 6km nhưng chỉ có 14 hộ dân với 55 khẩu. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nông, lâm nghiệp nhưng đều chưa được cấp quyền sử dụng đất. Xóm Cà Đơ chưa có điện sinh hoạt; chưa có điện thoại; nước sạch... Rất hiếm khi có người lạ đến với xóm bởi con đường đất với đèo dốc hiểm trở không thuận chân người…

 

Chỉ cách UBND xã Lam Vỹ 8km nhưng phải mất cả giờ đồng hồ vượt qua những đoạn đường lầy lội, những con dốc cao như muốn hất ngược cả người và xe máy lại phía sau, chúng tôi mới đến được Nhà văn hóa nằm ở trung tâm xóm Cà Đơ. Anh Triệu Văn Đạo, 28 tuổi, làm trưởng xóm được 2 năm, lớn lên ở vùng đất này nên hiểu rõ những khó khăn của bà con nơi đây. Cả xóm chỉ có 14 hộ với 55 khẩu nhưng ở phân tán rải rác suốt chiều dài 6km của xóm nên mỗi khi cần họp xóm, anh Đạo lại mất cả ngày để đi mời họp. Nhà xa nhất, anh Đạo phải đi bộ tới 3 giờ mới đến nơi. Anh Đạo cho biết, xa xôi cách trở vậy nên người dân trong xóm hầu như “tự sản, tự tiêu”. Chỉ khi cần tiền lắm thì mới đem con gà, cân thóc xuống chợ xã Lam Vỹ để bán.

 

Anh Đạo kể, khoảng những năm 1990, một số người dân ở xã Tân Thịnh (Định Hóa) và huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đến làm nương rồi định cư tại khu vực xóm Cà Đơ. Sau gần 20 năm khai phá vùng đất này, người dân ở đây vẫn sống trong cảnh nghèo túng. Xóm Cà Đơ sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Chỉ có vài ba hộ có thủy điện nhỏ và sắm được chiếc ti-vi đen trắng làm phương tiện nghe nhìn. Hiện nay, xóm còn tới 6 hộ nghèo.

 

Sống trong diện tích đất tự nhiên lớn nhưng người dân Cà Đơ lại có rất ít đất canh tác. Trung bình, mỗi hộ dân chỉ có hơn 4 sào ruộng. Cá biệt, gia đình anh Hoàng Văn Lào là một trong những hộ nghèo nhất xóm, nhà có 4 khẩu nhưng chỉ có duy nhất 2 sào ruộng vì vậy mà anh Lào phải đi làm nương, làm ruộng thuê. Đôi khi, người đàn ông gần 50 tuổi này phải lặn lội xuống tận thị trấn Chợ Chu và thậm chí là cả T.P Thái Nguyên để kiếm việc làm thuê lấy tiền nuôi vợ con. Nhà nghèo nên đứa con đầu của anh Lào năm nay 13 tuổi đã bỏ học vì gia đình không mua nổi xe đạp cho cháu đi học. Con gái út của anh Lào năm nay học lớp 4 tại thôn cũng nơm nớp lo mình sẽ không có xe đi học như anh trai trong 2 năm tới khi em vào lớp 6. Cả gia đình anh Lào hiện sống trong ngôi nhà sàn rộng chưa tới 20m2 đã xuống cấp nghiêm trọng. Anh Lào cho biết, anh chỉ mong được Nhà nước cho vay tiền để mua trâu về cày kéo và mua thêm ruộng nương để đỡ phải đi kiếm tiền xa nhà. Không phải xa nhà đi làm thuê, anh Lào cũng sẽ tranh thủ sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp của mình.

 

Khá hơn gia đình anh Lào, gia đình nhà anh Nguyễn Duy Sự và chị Nông Thị Hoa có hơn 3 sào ruộng. Tuy nhiên, đây là diện tích gia đình anh Sự mua từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ xã với số tiền 12 triệu đồng. Năm nào thời tiết thuận lợi thì may lắm diện tích canh tác trên cũng chỉ giúp cho gia đình anh có đủ thóc để ăn trong vòng khoảng 10 tháng. Những năm gặp thiên tai, nguồn thu của gia đình anh phụ thuộc vào công việc làm thuê của chị Hoa bởi đã 7 năm nay, anh Sự bị suy tim độ 3 không thể làm việc nặng nhọc.

 

Một khó khăn khác theo anh Triệu Quang Minh đó là tất cả diện tích đất nông nghiệp của người dân trong xóm đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này không những gây khó khăn trong quản lý đất của người dân mà còn cản trở các hộ gia đình ở đây khi muốn vay vốn phát triển kinh tế bởi họ đâu có tài sản khác ngoài đất để thế chấp vay vốn ngân hàng. Anh Minh cho biết, bản thân anh cũng muốn vay vốn ngân hàng để đắp ao nuôi cá nhưng không biết lấy gì thế chấp để vay khoảng 20 triệu đồng đắp khe đồi của gia đình thành ao thả cá.

 

Được biết, năm 2006, UBND xã Lam Vỹ đã giao 50 ha đất cho các hộ dân ở đây quản lý và sử dụng để trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, do diện tích trên hầu hết không gần với nhà dân nên cả 14 hộ trong xóm đã đồng ý để xã giao cho xóm quản lý chung. Chính vì vậy, diện tích đất rừng này hiện nay hầu như vẫn bỏ trống.

 

Khó khăn là vậy nhưng xóm Cà Đơ vẫn không được công nhận là xóm đặc biệt khó khăn. Vì thế, người dân ở đây không được hưởng những chính sách ưu đãi dành cho những xóm, xã nằm trong Chương trình 135. Khi được hỏi về những mong muốn chung để xóm phát triển, những người tôi gặp đều bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xét công nhận xóm là xóm 135 để người dân tiếp cận được với những chính sách ưu đãi của Chính phủ. Ngoài ra, người dân nơi đây cũng mong ước có được con đường phẳng phiu và nhà nhà có điện thắp sáng. Anh Triệu Văn Đạo cho rằng, có con đường tốt sẽ giúp bà con trong xóm thuận lợi giao thương hàng hóa. Điện sáng sẽ giúp bà con có điều kiện tiếp xúc với xã hội bên ngoài qua ti-vi, radio… “Đó là những thứ thực sự sẽ giúp cho người dân Cà Đơ thoát khỏi cảnh nghèo túng như hiện giờ” – anh Đạo chia sẻ.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ma Đình Thượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ cho biết, Cà Đơ là xóm khó khăn nhất trong xã. Những khó khăn trên, xã đã nhiều lần bàn hướng giải quyết để tìm hướng phát triển kinh tế cho Cà Đơ. Tuy nhiên, những đề nghị trên của người dân Cà Đơ là quá khả năng đáp ứng của xã.

 

Trong chuyến công tác mới đây tới xóm Cà Đơ, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ những khó khăn với bà con và mong muốn huyện tiếp tục có cơ chế chính sách riêng, cụ thể để giúp cho Cà Đơ phát triển. Đồng chí Nguyệt cũng cho rằng, cái nghèo ở đây khó khăn hơn nhiều cái nghèo trong mặt bằng chung của huyện, đề nghị huyện Định Hóa có những cách làm linh hoạt, sáng tạo, ưu tiên giúp người dân Cà Đơ ổn định cuộc sống.

 

Mong rằng, sự quan tâm đó sẽ là tiền đề để Cà Đơ sớm được đầu tư các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ đó, người dân trong xóm sẽ dần được thoát nghèo và thoát nghèo một cách bền vững.