Cần tăng cường các biện pháp phòng, tránh bệnh cho trẻ lúc giao mùa

08:59, 05/11/2010

Chúng tôi đến Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên vào một ngày đầu tháng 11, trong cái se lạnh đầu đông, hình ảnh những đứa trẻ non nớt vài tháng tuổi khóc gào lên khi phải tiêm kháng sinh điều trị do viêm phổi, viêm đường hô hấp khiến ai gặp cũng phải xót xa.

 

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Khổng Thị Ngọc Mai, Trưởng Khoa Nhi cho biết: Do thời tiết giao mùa nên lượng bệnh nhân nhi nhập viện thời gian qua tăng mạnh. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, có 15 đến 20 ca nhập viện, tăng gần 1,5 lần so với những tháng trước. Đa phần bệnh nhi là các cháu dưới 5 tuổi, mắc bệnh viêm đường hô hấp (chiếm khoảng 60-70%). Ngoài ra là các bệnh khác như: Tiêu chảy, sốt virus, phát ban… Năm nay, nhóm trẻ sơ sinh, trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi mắc bệnh viêm đường hô hấp tăng cao (chiếm tỉ lệ khoảng 40% tổng số ca mắc bệnh này). Nguyên nhân một phần do ô nhiễm môi trường sống, một phần do các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ nên để trẻ bị nhiễm lạnh, đặc biệt là nhiễm lạnh qua đường thở. Ở trẻ nhỏ, đường hô hấp trên chưa hoàn chỉnh (chưa có lông mũi) nên không khí qua mũi không được làm ấm dẫn đến tình trạng tăng phản ứng đường thở làm phù nề niêm mạc, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, khiến trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản .v.v…

 

Một điều đáng lo ngại nữa là khi trẻ bị nhiễm bệnh, nhiều bà mẹ tự ý chữa cho con mà không đưa đến cơ sở y tế khám khiến nhiều trẻ khi nhập viện thì bệnh đã ở mức độ nặng, phải điều trị kháng sinh dài ngày. Bế con trên tay, chị Ngô Thị Hoa, tổ 3 phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên mẹ của bệnh nhi Nguyễn Ngọc Bảo Hân, 2 tháng tuổi, đang điều trị viêm phổi tại Khoa tâm sự: “Thấy cháu ngạt mũi và ho, tôi đã cho cháu uống mật ong và nước hoa đu đủ theo cách dân gian, nhưng sau 2 ngày không thấy cháu đỡ nên tôi ra hiệu thuốc mua thuốc ho cho cháu. Nhưng khi uống vào, cháu nôn hết. Thấy vậy, hôm qua tôi đưa cháu vào viện để điều trị”.

 

Đây là chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp bệnh nhi vào viện do sự thiếu hiểu biết về kỹ năng chăm sóc trẻ của các bà mẹ. Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Khoa nhi Trần Tiến Thịnh, người điều trị trực tiếp cho bé Bảo Hân cho biết: Việc các bà mẹ tự ý chữa cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, vì trẻ còn nhỏ sức đề kháng kém; việc điều trị không đúng cách không những không khỏi bệnh mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bình thường, một trẻ khi phát hiện bị viêm phổi nếu điều trị kịp thời thì chỉ 5 ngày là khỏi, với các trường hợp gia đình tự ý điều trị khiến bệnh nặng hơn thì việc điều trị kháng sinh cho trẻ sẽ phải kéo dài hơn, thậm trí có trường hợp 10 ngày mới khỏi. 

 

Về cách phòng bệnh, Thạc sĩ Khổng Thị Ngọc Mai, Trưởng Khoa Nhi khuyến cáo các phụ huynh: Hàng ngày, ngoài việc cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh, gia đình cần quan tâm giữ ấm cơ thể cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc dùng sữa mẹ là tốt nhất sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, phải chú ý giữ ấm đường thở (mũi) cho trẻ để tránh bị nhiễm lạnh nhất là vào buổi sáng và tối khi nhiệt độ xuống thấp. Ngoài ra, khi thấy con mắc bệnh hô hấp, phụ huynh không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống, nhất là thuốc ức chế ho vì dễ gây quánh đờm dẫn đến khò khè, khó thở và có thể có tác dụng ngược lại.

 

Ngoài bệnh về đường hô hấp, hiện nay, trẻ nhập viện do tiêu chảy cũng tăng mạnh, chiếm 10%-15% tổng số bệnh nhân nhi nhập viện. Bác sĩ Ninh Thị Thùy Anh cho biết: Bệnh nhi mắc bệnh này, ngày đầu trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, nôn nhiều, có trường hợp trẻ nôn trên 10 lần, đến ngày thứ hai trẻ bị đi tiêu chảy ồ ạt, có nhiều trường hợp trẻ đi tiêu chảy từ 10-15 lần /ngày. Trẻ bị mất nước rất nhanh nên phải kịp thời bù nước và điện giải cho trẻ  bằng đường uống hoặc truyền. Ngoài ra, bệnh nhi cần được bác sĩ kê đơn bổ sung thuốc giảm tiết đường ruột, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nếu được điều trị kịp thời khoảng 5 ngày là trẻ cơ bản hồi phục và có thể ra viện. Bệnh này do virus Rota gây ra nên các bà mẹ khi thấy con có hiện tượng trên tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh mà phải đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Do bệnh lây qua đường phân nên cần phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đồ dùng của trẻ phải được rửa, giặt sạch. Thêm nữa, không nên cho trẻ tập trung chỗ đông người, tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh.