Huy động toàn xã hội vào cuộc

13:56, 04/11/2010

Ngày 7-11, Lễ phát động Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS cấp Quốc gia năm 2010 sẽ được tổ chức tại tỉnh ta với chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”. Nhân dịp này, PV Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thời gian qua và những nỗ lực của tỉnh để công tác này ngày càng đạt hiệu quả cao hơn trong những năm tới.

 

P.V: Thái Nguyên là một trong những địa phương có số người nhiễm HIV cao trong toàn quốc. Vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Ma Thị Nguyệt: HIV/AIDS đã và đang lan rộng hầu hết các quốc gia trên toàn cầu với hình thái ngày càng phức tạp. Tại Thái Nguyên, tính đến ngày 30-9-2010 đã phát hiện 7.406 người nhiễm HIV, trong đó có 3.390 người chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 1.645 người tử vong do AIDS. Tại 9/9 huyện, thành, thị của tỉnh đã phát hiện có người nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm trên 6/1.000 dân, cao hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Ngoài việc HIV/AIDS tập trung trong một số nhóm có nguy cơ cao, thì hiện đã và đang tiếp tục lan rộng ra ngoài cộng đồng ở các nhóm dân cư có nguy cơ thấp như: phụ nữ mang thai, trẻ em, bệnh nhân lao, thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự…

 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch HIV/AIDS, cùng với nỗ lực của địa phương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã nỗ lực triển khai các chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS do Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 của Chính phủ quy định, thông qua rất nhiều hoạt động như: xây dựng các mô hình truyền thông, thiết lập các mạng lưới can thiệp giảm tác hại, tăng cường công tác tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở y tế… nhằm góp phần khống chế sự gia tăng của đại dịch trên địa bàn tỉnh.

 

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, tỉnh ta sẽ nỗ lực thực hiện những giải pháp gì để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS?     

 

Đồng chí Ma Thị Nguyệt: Có thể nói, xuất phát từ thực trạng lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua, việc tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010 tại Thái Nguyên là hoàn toàn phù hợp và hy vọng sẽ mang tính hiệu quả cao, vì Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của các tỉnh vùng Đông bắc, là nơi có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn. Ngoài nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hàng năm Thái Nguyên còn thu hút một lực lượng rất lớn học sinh, sinh viên, công nhân từ các tỉnh đến lao động, học tập…

 

Hưởng ứng chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu, Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1-12) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS  năm nay với chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

 

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 54/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; xác định phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ ưu tiên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần phải vào cuộc một cách thực sự, được thể hiện qua các hành động như: Xây dựng đề án, kế hoạch, mô hình cụ thể, triển khai có hiệu quả, giám sát chặt chẽ về chất lượng công việc bằng cách tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội, lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

 

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông phòng, chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi cho mọi người trong phòng, chống HIV/AIDS, xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, giúp họ hòa nhập cộng đồng, duy trì cuộc sống, tôn trọng bảo vệ quyền con người.

 

Ba là, tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ về chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người có nhu cầu, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo… Đặc biệt là cần phát huy tính chủ động của người nhiễm HIV tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!