Mưa lũ đã làm cho huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa bị cô lập; Bình Định 3 tàu cá bị nạn; Lâm Đồng có 1 người bị lũ cuối trôi
Sau 3 ngày mưa lớn, nước lũ dâng cao gây thiệt hại về người và tài sản của người dân các tỉnh Nam Trung bộ. Trời vừa tạnh, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tập trung khắc phục hậu quả thiên tai. Trong khi đó, huyện miền núi Khánh Sơn vẫn còn bị cô lập hoàn toàn.
Từ sáng sớm 1/11, tại tỉnh Khánh Hòa, lượng mưa đã giảm. Nước trên các sông đang xuống chậm, các tuyến giao thông ở đồng bằng đã được thông xe, cuộc sống sinh hoạt của nhân dân đang dần ổn định. Tại ven sông Cái, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, nơi có 37 ngôi nhà của người dân nghèo bị sập, bà con đã trở về sửa chữa lại nhà và dựng lều ở tạm.
Ông Trần Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang cho biết: Sau trận lũ, nhân dân bắt đầu thu dọn và gia cố lại nhà cửa bị hư hỏng, xiêu vẹo để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, gần trưa 1/11, tại thành phố Nha Trang, trời lại mưa to, một số con đường ngập trở lại, khiến việc đi lại càng thêm khó khăn. Riêng ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa trời mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước tại nhiều sông suối lên nhanh, khiến giao thông tại huyện này bị tê liệt.
Nghiêm trọng nhất là đoạn qua đèo Khánh Sơn đã bị sạt lở. Hàng trăm mét khối đất đá từ trên núi cao đổ xuống làm đổ cột điện, sạt lở đường, tuyến Tỉnh lộ 9 bị cắt đứt. Tuyến đường từ thị trấn đi xã Ba Cum Nam cũng bị sạt lở. Tại huyện Khánh Sơn mưa rất to, giao thông giữa huyện và các xã cũng không thể đi lại được, nhiều xã mất điện. Hiện nay, hơn 20.000 dân huyện Khánh Sơn đang bị cô lập hoàn toàn. Huyện đang tập trung lực lượng nhanh chóng giải phóng đất đá sạt lở trên tỉnh lộ 9, để sớm thông xe trở lại.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Đội duy tu sửa chữa đường đang thực hiện nhiệm vụ. Việc thông đường phụ thuộc vào thời tiết, nếu thời tiết thuận lợi, công nhân cố gắng khắc phục trong thời gian ngắn, khắc phục tạm thời.
Tại tỉnh Bình Định, trời đã bớt mưa. Tuy nhiên, tại đây đã xảy ra một số vụ tai nạn với 3 tàu cá Bình Định đang đánh bắt trên biển. Tàu đánh cá mang số hiệu BĐ 50377-TS do anh Nguyễn Hữu Quang làm thuyền trưởng. Trên tàu có 10 ngư dân thường trú ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) đang hành nghề lưới rút bị sóng đánh hỏng máy, tàu trôi tự do. Tàu cá khác mang số hiệu BĐ 30426 của ngư dân xã Cát Khánh, huyện Phù Cát bị nạn, gãy chân trôi tự do, hiện đã neo lại được. Còn chiếc tàu cá mang biển hiệu BĐ 96247 TS do ông Văn Công Trãi, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn làm chủ, bị sóng đánh gãy bánh lái tàu trôi dạt đến vùng biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Văn Công Trãi và 7 lao động trên tàu quyết định bơi vào bờ. Tuy nhiên, 7 lao động đến bờ an toàn còn riêng ông Trãi bị sóng cuốn trôi. Đến 6h 30 phút sáng 1/11, thi thể của ông Văn Công Trãi được tìm thấy tại khu vực biển thôn Cửu Lợi Bắc, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định.
Lâm Đồng mưa lớn gây ngập cục bộ 1 người bị lũ cuối trôi
Sáng 1/11, mưa lũ đã làm một người dân xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bị nước cuốn trôi. Nhiều diện tích hoa màu của người dân cũng bị ngập sâu trong nước và giao thông đi lại của 2 xã Đa Quyn và Tà Năng bị cô lập hoàn toàn.
Khoảng 9h30 sáng, anh Ya Ba, 30 tuổi, ở thôn Ma Pó, xã Đa Quyn đi chăn bò tại khu vực suối Đạ Quyn, khi lội qua suối thì bất ngờ nước từ thượng nguồn đổ xuống nhanh và cuốn trôi. Hiện ngành chức năng địa phương và người dân đang tích cực tìm kiếm nạn nhân, nhưng do trời mưa lớn, nước suối chảy xiết nên công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm hai cây cầu Bà Trung và Bà Bóng ở 2 xã Đà Loan và Tà Năng của huyện Đức Trọng bị ngập sâu trên 2m, khiến giao thông đường bộ đi vào 2 xã Đa Quyn và Tà Tăng bị chia cắt hoàn toàn. Nhiều diện tích hoa màu của người dân tại các xã Đa Quyn, Tà Năng, Tà In đã bị ngập sâu trong nước.
Ông Dương Thành Hưng, Trưởng Phòng kỹ thuật Ban phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước hình hình mưa lớn cộng với hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ với lưu lượng 150 m3/giây, rất có thể sẽ gây ngập cục bộ một số khu vực khác trên địa bàn hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng.
Ông Dương Thành Hưng cho biết: Ban phòng chống lụt bão tỉnh đang triển khai trực 24/24 để cập nhật các thông tin về khí tượng thủy văn, tình hình xả lũ các công trình. Trên cơ sở đó thông báo cho bác địa phương biết để phòng tránh. Hiện tại, các vùng bị ngập thì các địa phương đều đã có các phương án phòng chống cho từng điểm, chúng tôi luôn cập nhật cho các địa phương về thời tiết cũng như biện pháp xử lý”./.