Mưa lũ ở miền Trung, nhiều vùng bị cô lập

08:21, 17/11/2010

Tại Thừa Thiên Huế, quốc lộ 49B ngập sâu hơn 1 mét. Tại Quảng Nam, cầu Gò Nổi bị lún sụt, gãy nhịp

 

Đêm 16/11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi trời tiếp tục mưa, môt số nơi mưa to, lũ trên các sông dao động ở mức cao, nhiều vùng còn bị chia cắt. Mưa lớn tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã làm 10 người chết, 10 người bị thương, hàng ngàn héc-ta hoa màu bị ngập úng, nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng.

 

Thừa Thiên Huế: Tỉnh lộ, quốc lộ ngập sâu hơn 1 mét

 

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nước từ thượng nguồn đổ về cùng với việc xả lũ nên mực nước các sông tiếp tục dâng lên xấp xỉ mức báo động 3.

 

7 tỉnh lộ bị ách tắc cục bộ do nước ngập sâu gần 1 mét. Quốc lộ 1A bị ngập gần nửa mét đi lại rất khó khăn. Quốc lộ 49B đoạn từ Mỹ Chánh đi Vân Trình ngập hơn 1 mét.

 

Quảng Nam: Mưa lớn, huyện Nam Trà My vẫn bị cô lập

 

Mưa lớn trong 3 ngày qua (từ 14 đến 16/11) đã làm sạt lở hàng chục điểm trên tuyến tỉnh lộ 616 từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, gây ách tắc giao thông. Đường từ trung tâm huyện Nam Trà My về các xã cũng bị cắt đứt hoàn toàn. Hiện nay, một số xã đã bị mất điện và thông tin liên lạc. Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể huyện Nam Trà My đang nỗ lực khôi phục hệ thống thông tin liên lạc, chỉ đạo chính quyền các địa phương đảm bảo đời sống cho người dân vùng sạt lở, nghiêm cấm người qua lại các khu vực nguy hiểm. 

 

Mưa lũ kéo dài đã làm sạt lở nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My. Ngày16/11, cầu Gò Nổi trên tuyến đường ĐT 601B, xã Duy An, huyện Duy Xuyên đã bị gãy 3 nhịp tại trụ số 5 và số 6. Nguyên nhân ban đầu được xác định do thay đổi dòng chảy cộng với nước lũ dâng cao, chảy xiết, gây xói lở, sụt lún tại các trụ cầu dẫn đến gãy nhịp. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Ngành Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra tình hình, đồng thời phối hợp với địa phương hướng dẫn giao thông, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. Ông Nguyễn Bá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trước mắt, chúng tôi có đội của Đoạn Quản lý đường bộ ở đó để cảnh giới 2 đầu cầu cho người dân biết. Đồng thời chúng tôi đã khảo sát và thông báo để người dân biết đi đường ĐT 609 về cầu Kỳ lam và nối vào Gò Nổi”.

 

Quảng Ngãi: di dời dân đến nơi an toàn

 

Trong đêm 16/11, ở tỉnh Quảng Ngãi, công tác di dời dân tiếp tục được triển khai khẩn cấp. Phóng viên Thành Long đang có mặt tại huyện Bình Sơn cho biết: Ngay trong đêm, khi có thông tin còn 100 hộ dân ở xã Bình Chương nhà bị ngập lụt đang kêu cứu, lực lượng cứu hộ đã đi dời toàn bộ người già, trẻ em ra khỏi vùng nguy hiểm chỉ còn lại một số thanh niên kiên quyết ở lại để trong coi nhà cửa, tài sản. Đây cũng là vùng hạ lưu sông Trà Bồng, nước lũ lên rất nhanh, đồng thời hệ thống dây điện chằng chịt nên ca nô đi lại rất khó khăn và dễ xảy ra nguy hiểm.

 

Thượng tá Nguyễn Phương, Chỉ huy trưởng Quân sự huyện Bình Sơn cho biết: tất cả các vùng ngập sâu đều đã di dời dân đến nơi an toàn. Hiện nay, đơn vị đã bố trí 6 ca-nô để cứu trợ cứu nạn.

 

Mưa lũ diễn ra trên diện rộng, làm gần 9000 ngôi nhà ở Quảng Ngãi tiếp tục bị ngập, hơn 2.000 hộ dân đã được di chuyển đến nơi an toàn. Cả tỉnh có 13 ngôi nhà ở các huyện Bình Sơn, Tây Trà, Ba Tơ bị sập hoàn toàn. Ở 6 huyện miền núi đã xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở gây cô lập nhiều xã. Riêng tuyến đường tỉnh lộ 622 Trà Bồng-Tây Trà bị sạt lở nặng gây tắc nghẽn giao thông. Các điểm sạt lở núi có nguy cơ đe doạ đến tính mạng của gần 200 hộ dân trong vùng nguy hiểm cần được di dời khẩn cấp.

 

Đến sáng sớm nay 17/11, việc đi lại trên nhiều tuyến giao thông ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi còn nhiều trở ngại. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng ngừa rủi ro, thảm họa cho nhân dân vùng ngập sâu, có nguy cơ sạt lở đất; đồng thời ngừng ngay các cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng tránh mưa lũ.