Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề tại Nam Trung bộ

09:08, 19/11/2010

Trong khi chính quyền các địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi dồn sức khắc phục hậu quả thiên tai thì tại tỉnh Phú Yên, Quảng Nam và một số huyện phía Nam của tỉnh Bình Định mực nước các sông đang lên, gây ngập lụt một số xã vùng trũng thấp

 

Do ảnh hưởng của rìa phía Nam áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa từ 19 giờ chiều 16/11 đến 13 giờ chiều 18/11 tại các nơi phổ biến từ 37 - 240mm, làm cho mực nước các sông ở Phú Yên lên nhanh.

 

Lúc 13 giờ chiều 18/11 nước sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng là 8,20m (dưới báo động cấp II: 0,30m); sông Ba tại Củng Sơn là 31,11m (dưới báo động cấp II: 0,89m) và đang tiếp tục lên); tại Phú Lâm là 1,27m (dưới báo động cấp I: 0,43m - Đang lên); sông Bánh Lái tại Hòa Mỹ Tây là 8,86m, nước đang tiếp tục lên.

 

Ngoài ra, theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên lại xả lũ với tổng lưu lượng gần 4.000m3/s. Trong đó sông Ba Hạ xả 2.855m3/s; Krông H’Năng (bậc trên của thủy điện sông Ba Hạ): 120m3/s; Sông Hinh: 1.000m3/s, làm cho mực nước các sông lên nhanh, đến 17g ngày 18/11 xấp xỉ trên dưới báo động cấp II. Riêng sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng vượt trên báo động III.

 

Hiện đã có 8 xã phía Bắc huyện Tuy An bị nước chia cắt và ngập cục bộ. Tuyến đường ĐT650 đoạn qua xã An Định và cầu Lò Gốm xã An Thạch ngập 0,8 - 1,2m, làm tê liệt hoàn toàn giao thông tại đây. Ngoài ra, nước cũng đã tràn vào hơn 130 nhà dân ở vùng trũng thấp thuộc các xã An Định, An Dân, An Cư và thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) từ 0,3 - 0,5m, tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

 

Mưa lớn cũng gây sạt lở núi tại km 1293+800 trên QL1A thuộc xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu. Tại huyện Đồng Xuân, tuyến ĐT641, nhiều đoạn ngập sâu trong nước, nhiều xã bị chia cắt, phải sơ tán hàng trăm hộ ở xã Xuân Quang 3; xóm Giữa (thị trấn La Hai), Tân Long (Xuân Sơn Nam) đến nơi an toàn...

 

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, duy trì các biện pháp bảo vệ và sơ tán dân cư ở vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp và địa bàn có khả năng sạt lở đất. Đồng thời thông báo rộng rãi cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; bố trí lực lượng vùng ngập nước, chảy xiết nguy hiểm để bảo vệ và cấm người qua lại. (Lê Biết)

 

** Mưa lũ tàn phá vùng núi Quảng Nam

 

Những ngày qua, mưa lớn ở khu vực huyện miền núi cao Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam đã làm địa phương này cô lập hoàn toàn trong 6 ngày liền. Thiệt hại ban đầu ước tính hơn 10 tỉ đồng. Hiện tại mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, khoảng 25.000 dân vẫn tiếp tục bị cô lập. Đặc biệt trong ngày 18/11, tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi trong toàn huyện.

 

Tại xã Trà Mai, mưa lũ đã làm thiệt hại nhà cửa của hơn 10 hộ gia đình. Trong đó, có nhiều hộ bị đất đá vùi lấp hoàn toàn nhà cửa và tài sản. Gia đình chị Hồ Thị Mười ở thôn 2 xã Trà Mai vừa dựng được ngôi nhà chưa đầy 1 năm đã bị đất đá sạt lở cuốn trôi, phá tan hoang cả mái ấm và tài sản. Ngôi nhà của chị Mười đã bị đất đá đẩy sạt hơn 15m. Cuộc sống gia đình chị Mười hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2009, ngôi nhà của chị Mười cũng đã bị đất đá sạt lở vùi lấp.

 

Ngôi nhà của gia đình chị Hồ Thị Mười bị đất đá sạt lở làm cho
tan hoang.

 

Mưa lũ cũng làm sạt lở, đứt gãy hàng trăm đoạn trên các tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã với khối lượng hàng nghìn mét khối đất đá. Rạng sáng ngày 18/11, hàng trăm điểm sạt lở tiếp tục xảy ra. Tuyến tỉnh lỵ ĐT 616 xuất hiện thêm 2 điểm sạt lở với hàng trăm khối đất đá. Ông Huỳnh Văn Phong - thành viên Ban chỉ đạo PCLB Nam Trà My cho biết: 5 ngày qua, tình trạng sạt lở núi đã làm tê liệt hoàn toàn giao thông từ huyện về tỉnh và từ huyện về xã. Hiện tại tuyến đường huyết mạch xuất hiện hơn 12 điểm sạt lở và đang tiếp tục xảy ra. Riêng các tuyến đường từ huyện về 10 xã đã bị sạt lở nghiêm trọng. Mưa lũ cũng làm cho nhiều công trình nước sinh hoạt, thủy lợi trong nhân dân bị cuốn trôi. Mức thiệt hại thiên tai đợt này là rất lớn chưa thể thống kê hết.

 

Hiện tại, địa phương đang huy động mọi nguồn lực sẵn có để cứu giúp nhân dân có nhà bị sụp đổ, cử lực lượng thanh niên xung kích giúp dân vận chuyển số tài sản chưa bị vùi lấp, đồng thời đưa máy móc thi công ngày đêm giải phóng các điểm sạt lở tuyến đường huyết mạch ĐT 616 để thông tuyến. Đến hết ngày 18/11, Nam Trà My vẫn cô lập hoàn toàn. Với lượng mưa lớn và hậu quả sạt lở xảy ra quá nhiều thì khó có thể tập trung khắc phục trong ngày một, ngày hai.

 

Sạt lở nghiêm trọng trên đường ĐT 616.

 

“Hiện tại, Nam Trà My vẫn còn mưa lớn và khối lượng sạt lở quá lớn nên phải cần khoảng 5 ngày nữa chúng tôi mới tạm khắc phục được. Huyện đang huy động tất cả lực lượng và phương tiện tập trung giải phóng các điểm sạt lở trê tuyến ĐT 616 nhưng do tình trạng sạt lở vẫn đang diễn ra nên rất khó thực hiện. Đối với những hộ dân bị vùi lấp nhà cửa, chúng tôi đã cử lực lượng lên ứng cứu di chuyển người ra khỏi vùng nguy hiểm và bố trí chỗ ở tạm. Nếu trong vọng 10 ngày nữa mà giao thông còn cô lập thì Nam Trà My sẽ thiếu thực phẩm nghiêm trọng - ông Hồ Văn Ny - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết. (Nguyễn Hoàng Thọ)

 

** Bình Định: Thêm 4 người thiệt mạng do mưa lũ

 

Từ ngày 13 đến ngày 18/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to, lượng nước từ đầu nguồn đổ về rất lớn khiến cho mực nước các sông dâng cao trở lại. Theo tin từ BCHPCLB-TKCN tỉnh, hiện 2 hồ chứa nước lớn nhất của tỉnh là hồ Núi Một và hồ Định Bình đã qua tràn. Trước tình hình này, ngành chức năng đã quyết định xả lũ, điều tiết nước trên 1.000 m3/s. Ngoài ra, 14 hồ chứa nước khác cũng có nguy cơ bị vỡ.

 

Mưa lũ đã làm cho các xã thuộc khu Đông của 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát  tiếp tục bị ngập chìm. Mưa to cũng đã làm cho nhiều tuyến đường ở huyện trung du và miền núi Hoài Ân, An Lão bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân) bị ngập sâu khoảng 0,5m; đồng thời tuyến đường An Lão - Hoài Ân – Hoài Nhơn cũng bị ngập nước, gây ách tắc giao thông.

 

Đáng lưu ý, mưa lũ đã làm chết thêm 4 người, gồm: Dương Thị Diễm (17 tuổi, trú tại Nhơn Hậu - An Nhơn); Huỳnh Tự (60 tuổi, ở xã Ân Phong); Nguyễn Văn Phụng (34 tuổi, ở xã Ân Hảo Tây); Đặng Văn Huân (29 tuổi, ở xã Ân Tín) đều thuộc huyện Hoài Ân…. Theo tổng hợp của ngành chức năng, tính đến chiều ngày 18/11, mưa lũ đã 12 người ở Bình Định bị thiệt mạng.