Nên sớm giải quyết chế độ cho 1 vợ liệt sĩ tái giá

10:48, 27/11/2010

Qua thông tin của bạn đọc, chúng tôi đã tìm gặp bà Dương Thị Biên, 62 tuổi, ở xóm Cao, xã Mỹ Yên (Đại Từ) để tìm hiểu về việc bà chưa được hưởng chính sách của vợ liệt sĩ tái giá…

 

Bà Biên kể lại: Năm 1966, tôi tròn 18 tuổi và đã lấy chồng là anh Đào Ngọc Hoàn ở cùng xã. Chỉ được sống với nhau 19 ngày thì chồng tôi lên đường nhập ngũ. Gia đình chỉ có 3 người, mẹ chồng tuổi cao sức yếu, em gái chồng đang đi học nên tôi phải đảm đương công việc của HTX, khai phá đất để canh tác kiếm thêm lương thực cho cả nhà và lo việc giỗ tết cho gia đình nhà chồng. Đến tháng 3-1972, tôi nhận được tin chồng đã hy sinh trong chiến trường miền Nam. Đến cuối năm 1975, với sự động viên, chia sẻ của mẹ chồng, tôi đã tái giá với anh Học ở cùng xã là bộ đội xuất ngũ về địa phương…

 

Từ khi tái giá, bà Biên phải lo toan nhiều việc gia đình do đông con và bản thân ông Học cũng luôn ốm đau, do đó, việc quan tâm tới gia đình liệt sĩ Đào Ngọc Hoàn không được như trước, nhất là từ khi mẹ liệt sĩ Hoàn chuyển ra ở với con gái là bà Đào Thị Cảnh tại thị trấn Đại Từ. Chính vì điều này mà đầu năm 2007, khi chính quyền địa phương triển khai lập hồ sơ giải quyết chính sách đãi ngộ với vợ liệt sĩ tái giá, bà Biên làm thủ tục theo quy định, được chính quyền địa phương ủng hộ nhưng riêng em gái liệt sĩ Đào Ngọc Hoàn là bà Đào Thị Cảnh lại không đồng tình, không ký vào biên bản họp gia đình đề nghị giải quyết chính sách vợ liệt sĩ tái giá cho bà Biên. Bà Biên tâm sự: “Tôi hy sinh gần 10 năm tuổi xuân để lo cho gia đình liệt sĩ Hoàn và không có ý đòi hỏi quyền lợi, nhưng từ khi Nhà nước có chế độ đãi ngộ đối với vợ liệt sĩ tái giá thì đến giờ tôi vẫn chưa được giải quyết, trong khi ở xã tôi, đã có 4 chị được hưởng chế độ theo quy định. Điều này khiến tôi rất buồn và tủi thân…”. Mẹ liệt sĩ Hoàn đã mất, em ruột duy nhất của liệt sĩ là bà Đào Thị Cảnh không đồng tình ký vào giấy xác nhận và giờ đã sang Đài Loan ở cùng con gái nên việc người thân của liệt sĩ xác nhận cho bà Biên gặp khó khăn. Hiểu và thông cảm với nỗi khổ tâm của bà Biên, ngày 20/8/2010, ông Đào Ngọc Kim là trưởng họ Đào (đại diện cho người thân của liệt Đào Ngọc Hoàn) đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết chế độ cho bà Biên.

 

Khi trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hồng Điều, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cũng khẳng định: Bà Biên đã có gần 10 năm chăm lo cho gia đình liệt sĩ Đào Ngọc Hoàn nên ngay khi bà Biên có đơn đề nghị lần đầu, Hội đồng của xã đã 2 lần làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết chế độ vợ liệt sĩ tái giá cho bà Biên nhưng công văn trả lời của cấp trên đều nói là hồ sơ thiếu biên bản họp gia đình. Tháng 8 vừa qua, ông Đào Ngọc Kim đại diện cho dòng họ của liệt sĩ Đào Ngọc Hoàn đã có đơn đề nghị tiếp tục giải quyết chế độ chính sách cho bà Biên nên chúng tôi đề nghị các cấp xem xét giải quyết dứt điểm vấn đề này.

 

Ông Lê Đình Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/6/2006 của Chính phủ và Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ xin hưởng chế độ đối với vợ liệt sĩ tái giá gồm: 2 đơn xin hưởng chế độ của vợ liệt sĩ tái giá (có xác nhận của UBND cấp xã nơi vợ liệt sĩ tái giá cư trú); 2 biên bản của Hội đồng cấp xã đề nghị giải quyết chế độ cho vợ là liệt sĩ tái giá; 2 giấy xác nhận của họ tộc, bố mẹ, anh chị em của liệt sĩ xác nhận vợ liệt sĩ tái giá nhưng vẫn phụng dưỡng cha mẹ liệt sĩ và nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành. Căn cứ vào các quy định hiện hành thì việc giải quyết chế độ chính sách vợ liệt sĩ tái giá cho bà Biên bắt buộc phải có biên bản họp gia đình đề nghị…

 

Trở lại việc của bà Biên, chúng tôi nhận thấy: Công lao của bà Biên đối với gia đình liệt sĩ Hoàn là có thực, được chính quyền địa phương, đại diện dòng họ Đào (là ông Đào Ngọc Kim) xác nhận. Do vậy, theo chúng tôi các ngành chức năng của huyện Đại Từ và tỉnh cần linh động, hướng dẫn về thủ tục để xem xét giải quyết chế độ vợ liệt sĩ tái giá cho bà Biên…