Phát huy truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc

12:06, 22/11/2010

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23-11-1946 và chính người làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Trải qua 64 năm xây dựng và phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng trưởng thành, từ chỗ chỉ có vài trăm hội viên trong những ngày đầu thành lập, đến nay cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ của hội đã lớn mạnh, trở thành lực lượng to lớn những người làm nhân đạo với trên 5,7 triệu hội viên, hơn 4,2 triệu thanh, thiếu niên chữ thập đỏ, 531.699 tình nguyện viên, 17.783 cán bộ hội, trong đó có 13.910 cán bộ chuyên trách và 3.873 cán bộ tình nguyện.

 

Riêng tỉnh Thái Nguyên, hiện, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có tổ chức Hội Chữ thập đỏ, với 70.660 hội viên, hơn 115 nghìn thanh thiếu niên tình nguyện, 300 tình nguyện viên. Hoạt động của Hội đã và đang lôi cuốn được đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, những người tình nguyện và nhân dân ủng hộ, tham gia.

 

Mọi hoạt động của Hội đều “xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà làm tất cả những gì có thể làm được” để giảm bớt đau thương, khó khăn cho nhân dân. Nhờ có các hoạt động thiết thực, hiệu quả, có tính giáo dục cao mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động được nhiều nguồn lực cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện... Cùng với đó là việc tích cực chăm lo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đủ sức tham mưu cho cấp uỷ Đảng lãnh đạo công tác nhân đạo, phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức với vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo ở cơ sở; đồng thời không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở phát huy 4 tính đặc thù của Hội, đó là: Tính hệ thống, dựa vào cộng đồng; tính chuyên nghiệp; tính xã hội, quần chúng sâu rộng và tính quốc tế rộng rãi.

 

Thông qua các hoạt động nhân đạo, từ thiện, Hội Chữ thập đỏ là một biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân ái, nhân đạo, nhân văn cao cả của dân tộc với một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc, hoà đồng với cuộc sống nhân dân. Trong suốt nhiều năm qua, sự cống hiến của lớp lớp cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã hun đúc lên những truyền thống vẻ vang, đó là truyền thống cống hiến, hy sinh hết mình vì những người nghèo, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm hoạ, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em lang thang và những người dễ bị tổn thương khác trong xã hội. Những người làm công tác Chữ thập đỏ có quyền tự hào: Tổ chức Hội Chữ thập đỏ là một trong số tổ chức lập ra không phải chỉ vì lợi ích của cán bộ, hội viên của mình, mà quan trọng hơn và trên hết là vì lợi ích của những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cần sự giúp đỡ. Đó là truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và nhân đạo cao cả.

 

Bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước, do hậu quả chiến tranh còn nặng nề, tình hình thiên tai, thảm hoạ diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu toàn cầu, sự bùng phát của các loại dịch bệnh, mặt trái của kinh tế thị trường làm cho sự phân hoá giàu nghèo gia tăng, đặc biệt tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay làm cho số người cần được trợ giúp có xu hướng gia tăng. Điều đó yêu cầu rất cao ở các hoạt động nhân đạo của các tổ chức, cá nhân, trong đó có Hội Chữ thập đỏ. Với tinh thần “Chung sức vì nhân đạo”, và bằng Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”..., Hội Chữ thập đỏ Thái Nguyên hằng năm đã huy động được hàng chục tỷ đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... để ủng hộ đồng bào vùng thiên tai, nạn nhân chiến tranh, người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Qua đó góp phần tích cực trong việc trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.