“Phát minh” độc đáo của người dân vùng lũ

09:44, 21/11/2010

Về xã Bình Minh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi thấy người dân ở đây có những “phát minh” khá độc đáo. Những “phát minh” ấy đúc rút từ thực tiễn và kinh nghiệm sống đã giúp bà con duy trì sự sống giữa vùng rốn lũ...  

 

Bếp “dã chiến”

 

Theo chiếc ca nô của Ban CHQS Bình Sơn ngược sông Trà Bồng về cứu trợ bà con vùng lũ Bình Minh. Khi qua địa bàn thôn Tân Phước, chúng tôi thấy những ngọn khói nhỏ bốc lên từ các bếp “dã chiến” trên từng chiếc ghe nhỏ.

 

Cái bếp “dã chiến” của gia đình ông Nguyễn Tấn Thành chỉ có ba viên gạch vỡ kê trong chiếc thau nhôm. Trao đổi với chúng tôi, ông Thành nói: “Bà con chỉ cần chiếc thau nhôm, bên trong rải một lượt tro khô, kê ba viên gạch giữa lòng thau là thành bếp ăn. Bếp sử dụng rất tiện lợi, vừa gọn nhẹ, kín gió mà lại tiết kiệm củi. Khi cần có thể di chuyển khắp nơi trong vùng lũ”.

 

Ghe đa tác dụng

 

Địa bàn xã Bình Minh nhiều ao hồ, cây cối, lại ở vùng thấp trũng, nên thường xuyên bị lũ cô lập. Tuy vậy, người dân ở đây rất “thiện chiến” với nghề sông nước, bởi gia đình nào cũng có một chiếc ghe đa tác dụng.

 

Ông Trần Trung Thái (73 tuổi) kể: “Mấy chục năm nay, thôn Nhất Đông thường xuyên bị thiên tai tàn phá nặng nề. Mưa lớn, lũ về là toàn bộ nhà dân ngập sâu trong nước dài ngày. Vì thế gia đình nào cũng mua sắm một chiếc ghe. Nhà khá giả thì hai chiếc. Trường hợp lũ lớn, cả nhà tập trung lên ghe, mọi sinh hoạt từ nấu ăn, đi lại và ngủ, nghỉ đều diễn ra ở đó. Ghe được buộc vào một vị trí cố định, nước dâng cao tới đâu, thì ghe nổi tới đó”.

 

Bể nước di động

 

Bình Minh được ví là rốn lũ của Quảng Ngãi. Trận bão lũ năm 2009 tàn phá khiến nhiều xóm làng tan hoang. Đợt mưa lũ lần này cũng vậy, lũ vây tứ bề, đa số giếng nước ngập sâu, tấp đầy bùn, đất. Nếu như không có những bể nước di động thì người dân chẳng thể nào có nước ngọt nấu ăn và phục vụ sinh hoạt.

 

Bể nước di động mà người dân ở đây sáng chế là những chiếc thùng phuy, thùng nhựa được buộc chặt vào những chiếc phao. Khi mưa lớn, người dân đưa bể nước di động ra hứng. Cứ như thế, mưa càng to thì bể nước càng đầy. Và trong trường hợp lũ dâng cao thì bể nước di động cũng nổi lên theo nhờ các phao buộc quanh bể.

 

Bè chuối “cõng” rau xanh

 

Chúng tôi tới thôn Nhất Đông. Nước bắt đầu rút và đã lộ dần lớp bùn non ken dày khắp đường làng, ngõ xóm. Bùn trong sân nhà ngập đến tận đầu gối. Do cây cối ngập sâu trong nước lâu ngày bắt đầu thối rữa. Nhưng chị Nguyễn Thị Hậu vẫn mang rổ rau xanh non ra rửa ở bể nước di động.

 

Quan sát xung quanh nhà, chúng tôi thấy những bè chuối được che bạt bên trên “cõng” đủ loại rau xanh. Có bè “cõng” hàng trăm cây ớt giống. Mưa lũ quần tơi tả là thế, nhưng các bè rau vẫn tươi tốt. Chị Hậu chia sẻ: “Để có được những chiếc bè này, chúng tôi chọn những thân cây chuối to nhất kết lại với nhau. Bên trên trải một lớp ni-lon, sau đó rải đất mùn, phân hữu cơ, rồi gieo hạt hoặc trồng những giống rau lên đấy. Nhờ khí hậu ẩm ướt, rau phát triển rất nhanh. Điều khá thú vị là nước lũ dâng cao bao nhiêu thì những bè chuối này lại “cõng” rau xanh vượt lũ lên bấy nhiêu!”.

 

Ghi lại những “phát minh” độc đáo của bà con vùng lũ Bình Minh (Quảng Ngãi) giới thiệu cùng bạn đọc. Mong rằng, từ những “phát minh” này, người dân các địa phương cùng chung hoàn cảnh có thể học tập, làm theo.