Sẽ điều chỉnh các quy hoạch gây bức xúc trong xã hội

07:39, 02/11/2010

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: "Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch chúng ta sẽ không thiếu điện như vừa qua. Các kịch bản về tăng trưởng phụ tải điện đã được dự báo trong Tổng sơ đồ VI cho đến nay vẫn thể hiện tầm dự báo đúng đắn".

Thiếu điện có trách nhiệm của Bộ Công thương

 

Sáng 1/11, giải trình trước Quốc hội về việc sản xuất và cung ứng điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc chưa đảm bảo điện trong thời gian qua có trách nhiệm của Bộ Công thương.

 

Theo Bộ trưởng, năm 2010, đặc biệt trong mùa khô từ tháng 5-7 tình hình sản xuất, cung ứng điện có nhiều khó khăn. Những khó khăn này có nhiều nguyên nhân, trước hết là trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch Tổng sơ đồ điện VI theo giai đoạn 2006-2010 và  tầm nhìn đến năm 2015.

 

Dẫn số liệu theo tính toán từ 2006-2015, bình quân mỗi năm phụ tải điện tăng từ 16-17% và thực tế, từ 2007-2010 cũng tăng 15-16%, năm 2010 dự báo tăng khoảng 15-17%, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: "Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch Tổng sơ đồ điện VI, chúng ta sẽ không thiếu điện như vừa qua. Các kịch bản về tăng trưởng phụ tải điện đã được dự báo trong tổng sơ đồ 6 cho đến ngày hôm nay vẫn thể hiện tầm dự báo đúng".

 

Bộ trưởng cũng cho rằng trên thực tế việc huy động nguồn điện vào sản xuất và các hệ thống điện quá chậm. Một lý do đáng quan tâm đó là thiếu vốn, nhất là giai đoạn 2008-2009, nền kinh tế đứng trước sự khủng hoảng về tài chính toàn cầu buộc chúng ta phải thực hiện một số giải pháp thắt chặt chi tiêu, trong đó có hạn chế đầu tư. Vì vậy, một số công trình ngành điện gặp khó khăn trong triển khai vốn làm ảnh hưởng tiến độ huy động vốn vào các công trình năm 2010 và một số năm sau.

 

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN cùng một số nhà phát điện độc lập như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công nghiệpThan và Khoáng sản Việt Nam tham ra xây dựng các công trình điện theo Tổng sơ đồ VI và sắp tới là Tổng sơ đồ VII. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và các ngành nhanh chóng đưa các công trình nhiệt điện mới xây dựng đi vào hoạt động ổn định;

 

Thứ 2 là Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương phối hợp các ngành xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt yêu cầu nên Chính phủ đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh đề án này, dự kiến từ nay đến cuối năm trình Chính phủ;

 

Cuối cùng là xây dựng các phương án để chủ động cung ứng điện trong bất kỳ tình huống nào xảy ra. Theo yêu cầu của Chính phủ, 2011-2012 phải bảo đảm nhu cầu điện cho các nhu cầu sản xuất thiết yếu và phục vụ cho đời sống của nhân dân.

 

Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN triển khai tính toán cùng một số Bộ và địa phương rà soát lại những công trình sử dụng điện không hiệu quả lãng phí, công nghệ lạc hậu, trong số này có cả dự án thép và dự án công nghiệp.

 

Về việc điều chỉnh giá điện theo giám sát chỉ đạo của Trung ương và đã được Quốc hội thông qua là theo cơ chế giá thị trường và kêu gọi tăng cường tiết kiệm điện.

 

Kiên quyết dừng các dự án thép ngoài quy hoạch

 

Về quy hoạch ngành thép thời gian qua phát triển không theo quy hoạch ảnh hưởng đến định hướng, vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã phối hợp với các địa phương và đặc biệt là ngành thép rà soát, kiên quyết chỉ cho phép triển khai những dự án nằm trong quy hoạch. Những dự án nằm ngoài quy hoạch, không có chủ quản, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng yêu cầu phải thay đổi công nghệ... nếu không đáp ứng được thì đình chỉ thậm chí chấm dứt hoạt động.

 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra với các ngành, địa phương để đảm bảo quy hoạch thép đáp ứng yêu cầu theo hướng tập trung vào các dự án sản xuất phôi thép và hạn chế các dự án thép sản phẩm. Chính vì vậy các dự án phôi thép thời gian vừa qua vẫn được triển khai như dự án sản xuất phôi thép ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), mở rộng một dự án phôi thép ở Thái Nguyên...

 

Nhập siêu còn cao nhưng có tiến bộ nhất định

 

Về nhập siêu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàn thừa nhận "Chúng ta nhập siêu cao và đây là một thách thức đe dọa kinh tế vĩ mô".

 

Dẫn con số nhập siêu qua từng năm như, năm 2007 là 14 tỷ USD, 2008 là  18 tỷ USD, năm  2009 là 12,8 tỷ USD và đến hết năm nay chỉ khoảng 12 tỷ USD, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàn cho rằng “tỷ lệ nhập siêu tuy cao nhưng theo chiều hướng giảm là có sự tiến bộ nhất định”.

 

Cũng theo Bộ trưởng tỷ lệ nhập siêu trên tổng giá trị xuất khẩu cũng liên tục theo chiều hướng giảm năm 2007 xấp xỉ 30% tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm nay sẽ vào khoảng 18%.

 

Bộ trưởng lý giải việc nhập siêu cao là do chúng ta đang đầu tư rất nhiều cho kinh tế, đặc biệt cho các ngành công nghiệp sản xuất. Ví dụ xây dựng 1 nhà máy điện 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD bằng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo/năm và chúng ta đang thực hiện rất nhiều công trình như thế. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên phải nhập nguyên liệu gia công hàng xuất khẩu. Bộ trưởng cho rằng, để giải bài toán nhập siêu không phải chỉ trong thời gian ngắn.

 

Điều chỉnh quy hoạch xi măng theo hướng giảm cung

 

Trước đó, giải trình trước Quốc hội về quy hoạch ngành xi măng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận, nguồn cung của các dự án xi măng trong nước đang cao và vượt cầu. Mỗi năm, thị trường xi măng tăng trưởng khoảng 11%.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, không phải Bộ Xây dựng đã điều chỉnh 4 lần quy hoạch ngành xi măng trong thời gian qua như đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đã nêu, mà quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt gần nhất đã cách đây 5 năm và bây giờ Bộ đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch với mục tiêu quan trọng là bình ổn thị trường, cân bằng cung cầu.

 

Ông Quân cho rằng, quan hệ cung cầu này chịu tác động của quy luật kinh tế thị trường. Nhiệm vụ của Nhà nước là nhìn ra sự tác động đó để điều tiết quan hệ cung cầu. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo theo hướng giảm nhập khẩu clinke (năm 2009 nhập 3,5 triệu tấn, năm 2010 nhập khoảng 1,7 triệu tấn).

 

Ông Quân cũng cho rằng, trong việc điều chỉnh quy hoạch, bộ đã tính đến việc giảm cung. Trong quy hoạch về xi măng sẽ phải tính toán cân đối cung cầu giữa các vùng miền. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng cho biết, theo dự báo, thị trường xi măng trong những năm tới tiếp tục tăng, các dự án xi măng đưa vào quy hoạch đang đảm bảo cung phù hợp với cầu. Tuy nhiên trong những năm tới cung sẽ cao hơn cầu từ 2 - 5 triệu tấn xi măng.

 

“Bộ Xây dựng đang đề xuất các biện pháp để báo cáo Chính phủ, trong đó có việc tăng cường tiêu thụ xi măng hơn nữa bằng việc đưa xi măng vào các công trình giao thông, thuỷ lợi, kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn… kể cả đường quốc lộ”, ông Quân cho biết.

 

Ngoài ra, theo ông Quân, Bộ cũng đã trình và được Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các loại vật liệu không nung thay thế cho vật liệu sản xuất từ đất sét nung nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ xi măng, bên cạnh đó cũng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề năng lượng và đất đai do sản xuất các vật liệu gạch, ngói từ đất sét nung gây ra. Bên cạnh đó, trên cơ sở tính toán các giải pháp, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Hiệp hội Xi măng nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu clinke./.