Tôi đi nghe tư vấn HIV/AIDS

12:18, 03/11/2010

Tôi e ngại bước vào phòng. Ánh mắt cùng lời chào thân thiện của chị khiến tôi bớt dần cảm giác ngại ngần đó. Hướng tay về chiếc ghế đối diện, chị mời tôi ngồi. Căn phòng nhỏ, đơn giản nhưng toát lên vẻ ấm cúng. Chị bắt đầu công việc: Chào bạn, tôi là bác sỹ Hà. Sao bạn biết và đến đây? Em nghe người quen giới thiệu- tôi đáp. Chị cười hiền lành: Với vai trò là tư vấn viên, tôi có trách nhiệm giữ bí mật về cuộc nói chuyện này....

 

Buổi tư vấn HIV/AIDS của tôi tại Trung tâm Phòng chống HIV-AIDS và Da liễu tỉnh vào buổi chiều chớm đông mới đây cứ nhẹ nhàng diễn ra...

 

Thú thực, trước khi đến với Trung tâm, tôi không có ý định sẽ nói rõ về mình cũng như về nguyên nhân khiến tôi nhiễm AIDS bởi tôi chẳng giám chắc là tất cả những thông tin về mình lại được giữ bí mật. Nhưng rồi, qua lời tâm tình chân thành của chị đã khiến những suy nghĩ ấy cứ dần dần được lột bỏ. Tôi hiểu rằng, vì lợi ích của tôi, cũng là để không làm ảnh hưởng đến việc tư vấn của chị, tôi đã trả lời rất thật các câu hỏi mà chị đưa ra. Chị đã hỏi tôi nguyên nhân nào khiến tôi mắc bệnh, thời gian đã bao lâu và vì sao lại biết điều đó. Tôi lắc đầu một cách mệt mỏi nhưng cũng đã nói ra phỏng đoán của mình: Có lẽ là do cuối năm ngoái em đi nạo thai ở một cơ sở y tế tư nhân. Sự lo lắng lại bắt đầu hiện hữu trong tôi. Như thể đọc được suy nghĩ ấy, chị nhẹ nhàng: Chồng em đã biết việc này chưa? Tôi lắc đầu! Anh ấy sẽ bỏ và mọi người sẽ xa lánh em. Cuộc sống của em còn ý nghĩa gì nữa chứ”?- Lúc này, tôi chỉ muốn gào lên cho quên đi nỗi tuyệt vọng trong lòng.

 

- Khi tôi chấn tĩnh trở lại, giọng chị nhẹ nhàng: Sao lại không nào? Em còn rất nhiều người thân: Chồng, con và gia đình nội, ngoại, bạn bè, những người yêu quý em... Họ sẽ hiểu và chia sẻ với em. Em chỉ là nạn nhân. Và như vậy thì chồng em, con em càng phải thương yêu em nhiều hơn. Ngược lại, em cũng cần hiểu hơn về bệnh này để em còn biết cách bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Em đã đến đây, chị biết em là người nghị lực. Em nên tìm cơ hội thích hợp để nói với chồng và khuyên anh ấy đến đây xét nghiệm máu. Em phải làm, càng sớm, càng tốt.

 

Tôi cảm nhận, giường như thượng đế sinh ra chị để làm an lòng những người tạm gọi là “kém may mắn” như tôi. Chị nói, chỉ hơn 1 năm qua, đã có hàng nghìn  lượt người đến nghe tư vấn tại Trung tâm. Trong số này có khoảng 40% bị nhiễm HIV/AIDS. Trước đây, đến với Trung tâm thường là những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao như gái mại dâm, người nghiện tiêm chích ma tuý. Nhưng, hiện nay, những người thuộc đối tượng khác, thuộc nguy cơ thấp như phụ nữ nông thôn, cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội đến nghe ngày càng nhiều. Cái khó nhất mà những người làm nghề tư vấn như chị là khách hàng thường không nói thật về bản thân cũng như nguyên nhân khiến họ có nguy cơ nhiễm bệnh nên nhiều khi việc tư vấn đạt kết quả không cao. Mà điều này xuất phát là do nhận thức chưa đầy đủ của rất nhiều người trong xã hội cũng như của chính những người nhiễm. Họ có thái độ tự ti, mặc cảm, luôn mang cảm giác tội lỗi nên đã không cho địa chỉ thật. Thực tế thì họ có quyền nói và không nói về nơi mình đang sinh sống cũng như về nguyên nhân mà họ phải tìm đến Trung tâm. Nhưng nếu trình bày không đầy đủ thì chính bản thân người đến nghe tư vấn sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi, đồng thời cũng gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng...

  

Hơn 1 giờ đồng hồ trôi qua, những gì cần được chia sẻ giường như đã đầy đủ. Tôi chào chị ra về. Chị vỗ nhẹ vào vai tôi, an ủi: Can đảm lên em nhé. Tâm trạng tôi đã khá hơn nhiều. Có lẽ tôi sẽ luôn nhớ tới lời chị nói: Điều quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người không phải là sống dài hay ngắn, mà nó có thực sự có ý nghĩa với gia đình, xã hội hay không!?