Đường về xóm Nà Canh, xã Phương Giao (Võ Nhai) như hẹp lại bởi nhiều dốc cao. Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 4km nhưng cuộc sống của 64 hộ dân trong xóm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, người dân trong xóm chia sẻ: Từ lâu, tôi đã nghĩ đến việc phải chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình, nhưng ngặt một nỗi không có điện, đường đi lại khó khăn, nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày nhiều khi còn thiếu, nói gì đến việc chăn nuôi, trồng trọt. Ở lại đây một đêm, các chú sẽ thấu hiểu hơn cuộc sống của người dân chúng tôi khi chưa có điện...! Cũng bởi thế, cho đến giờ, cái nghèo vẫn còn đeo bám lấy người dân chúng tôi.
Khi mặt trời đã lặn hẳn, Nà Canh chìm dần trong bóng tối. Ánh sáng phát ra từ những ngọn đền dầu, bếp lửa hồng trong mỗi gia đình leo lét không đủ để làm sáng lên vùng quê nghèo. Mọi hoạt động của người dân nơi đây diễn ra dưới ánh sáng nhập nhoạng. Ông Đỗ Văn Thương, một người dân khác của xóm cho hay: Không có điện khổ lắm! Người dân không có đài, có ti vi để nghe tình hình thế giới bên ngoài; ăn cơm tối xong thì chỉ có ngồi quây quanh bên bếp lửa hoặc đi ngủ sớm để hôm sau đi làm. Thương nhất là bọn trẻ phải học trước ngọn đèn dầu với ánh sáng leo lét. Chỉ mong, Nhà nước sớm đầu tư đường điện để mọi sinh hoạt của người dân đỡ khổ hơn...
Cho đến giờ, cả xóm Nà Canh mới có 6 hộ dân được hưởng ánh sáng của điện do tự mua máy thủy điện mi ni. Gia đình chị Nguyễn Thị Chiên là một trong số ít đó. Do khe nước gần nhà thường xuyên có nước chảy, gia đình chị đã mua máy thuỷ điện nhỏ để có nguồn điện thắp sáng, phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Hiện, gia đình cũng sắm được ti vi nhưng không phải lúc nào cũng xem được vì vào mùa khô, nước chảy yếu, chỉ đủ thắp sáng vài bóng đèn...
Chúng tôi vào nhà ông Đỗ Văn Dụng, Trưởng xóm Nà Canh khi ông đang ngồi ở bàn uống nước dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, chăm chú viết vào quyển sổ những nội dung sẽ đưa ra trong buổi họp xóm diễn ra vào lúc 7h30 tối hôm đó. Qua cuộc trao đổi với ông Dụng, chúng tôi được biết: Nà Canh chỉ có 10ha đất lúa, còn chủ yếu là đất đồi rừng. Cả xóm hiện còn có 21/64 hộ nghèo (chiếm 32,8%). Vì không có điện nên việc tăng gia sản xuất của bà con không thể mở rộng được. Các hộ dân trong xóm nuôi nhiều lắm cũng chỉ có 5-6 con lợn. Vì thế mà mức thu nhập bình quân đầu người/năm chỉ đạt khoảng trên 2 triệu đồng. Với địa hình hiểm trở, đường đi khó khăn, lại chưa có điện nên việc học hành của con em trong xóm cũng rất hạn chế. Đến nay, xóm mới có 8 người tốt nghiệp bậc THPT... Ông Dụng giãi bày: Niềm mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là sớm có nguồn điện lưới Quốc gia để cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân được thuận lợi hơn. Con em không phải học dưới ánh sáng của những ngọn đèn dầu. Người dân có điều kiện được nghe đài, xem tivi, theo dõi được thường xuyên những tin tức thời sự, những vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp, từ đó biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... Nếu điện về tới làng, điều trước tiên, tôi sẽ khoan một cái giếng nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, tưới tắm cho cây trồng và vật nuôi.
Trao đổi với ông Dương Hữu Kiều, Chủ tịch UBND xã Phương Giao về những khó khăn của người dân xóm Nà Canh, chúng tôi được biết thêm: Hiện, Phương Giao còn 4 xóm thuộc cụm Xuất Tác với tổng số 430 hộ dân (chiếm trên 46 % tổng số hộ dân của xã) vẫn chưa có điện lưới Quốc gia; điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn. Địa phương rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện đầu tư hệ thống đường điện để đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất của người dân 4 xóm nơi đây được thuận tiện, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của xã.