Từ trung tâm huyện Định Hoá, chúng tôi về xã Tân Thịnh trên con đường loắc ngoắc đầy cua lượn bám ngược dòng sông Chu. Hết đường nhựa, lại đường đất bụi bặm, xe nhảy bầm bập trên đất đá, sau cùng chúng tôi cũng đến được trụ sở UBND xã.
Tiếp chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo làm nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ, anh Dương Văn Nam nói: Tôi vừa đi kiểm tra các hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà 3 cứng (cứng nền, cứng tường và cứng mái), bà con vui lắm, ai cũng bảo xuân này, gia đình họ không còn phải đón Tết trong ngôi nhà tạm.
Câu chuyện của người cán bộ xã khiến tôi cảm nhận như mình “sờ” được niềm vui trước những đổi mới của một vùng đất xa trung tâm huyện. Chủ tịch Nam tâm đắc: Năm nay, trong xã có 134 hộ được xoá tên khỏi danh sách hộ nghèo; mức thu nhập của người dân đạt trung bình 6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 triệu đồng/người so với năm 2009... Trong trụ sở làm việc của UBND xã, chén trà nhấp vội, chúng tôi được lãnh đạo xã đưa về các thôn, bản trong xã. Nhìn bên đường thấy đồng đất khô khát, lác đác có mấy đám ngô xanh hiếm hoi, ông Lý Văn Phúc, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã cho biết: Tân Thịnh là xã vùng cao nên địa thế đất đai gồ ghề, ruộng đồng nằm xen trong hẻm núi, việc sản xuất của nông dân không thuận lợi, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn. Song khi địa phương triển khai làm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là nhà 167), bà con trong xã đã tích cực tham gia giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau làm nhà.
Năm 2009, trong xã có 35 ngôi nhà 167 được hoàn thành thành; năm 2010 có thêm 115 ngôi nhà được hoàn thiện... Ngay bên những trục đường của các xóm Pắc Cập, Khau Lang, Thâm Yên... mà chúng tôi đến thăm, những ngôi nhà mới còn nồng ngái mùi gạch vữa. Ông Lèng Văn Chí, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo làm nhà theo Quyết định 167 của xã cho biết: Nhà 167 đã giúp cho nhiều hộ nghèo ở quê tôi được đổi đời. Vì đó là những ngôi nhà mà trước đây, những hộ nghèo không bao giờ dám nghĩ tới... Chúng tôi vào thăm gia đình chị Lường Thị Nhâm, xóm Thâm Yên. Ngôi nhà 3 gian, rộng 56m2 được lợp tôn đỏ có tổng trị giá 40 triệu đồng mới hoàn thiện đầu tháng 11 năm nay. Trong nhà chưa có gì đáng giá, nhưng chị Nhâm hồ hởi bảo: Cái đáng giá là tình làng nghĩa xóm mà gia đình em được nhận từ bà con. Khi làm nhà, người góp cây, người góp công, người không có tiền thì mang thóc đến giúp... Nhà đã làm xong, bà con lối xóm vẫn qua lại thăm nom, động viên vợ chồng em cố gắng vươn lên để thoát cảnh nghèo khó.
Ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng xóm Thâm Yên cho biết: Xóm có 10 hộ được làm nhà 167, đến nay các hộ đều đã vào ở trong nhà mới. 100% các hộ được hỗ trợ làm nhà 167, xóm, xã đều tích cực động viên bà con lối xóm, anh em, họ mạc của các hộ để giúp các hộ này giảm bớt phần nào khó khăn.
Theo con đường bụi đỏ màu đất núi, chúng tôi cùng sang xóm Pắc Cặp. Ông Lèng Văn Chí cho biết: Năm nay xóm Pắc Cặp có 7 hộ được làm nhà 167. Bên xóm Khau Lang cũng có 7 hộ được làm nhà 167, nhưng ở Pắc Cặp người dân đã giúp nhau làm xong nhà, còn ở Khau Lang mới có 3 hộ đã làm nhà xong, 4 hộ còn lại xin rút không làm nữa. Cộng cả xã có 14 hộ không làm được nhà vì lý do kinh tế gia đình quá khó khăn. Những hộ nghèo đã làm được nhà đã phải rất quyết tâm. Ví như gia đình bà Hoàng Thị Diệu, xóm Làng Quàn; gia đình bà Ma Thị Bích, xóm Làng Hoá... Khi các hộ này làm nhà, anh em, họ mạc không giúp được nhiều. Vì thế, một số cán bộ xã đã đến động viên, rồi đích thân chịu trách nhiệm với các đại lý mua nợ vật liệu xây dựng giúp bà con. Còn tại các xóm có hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, hội viên thuộc các tổ chức đoàn thể cũng vào cuộc nhiệt tình. Chi hội nông dân đến giúp đào móng; chi hội phụ nữ tham gia vận chuyển nguyên vật liệu; chi hội cựu chiến binh đến giúp công xây dựng.
Trong khi trò chuyện với chúng tôi, điều mà Chủ tịch UBND xã Dương Văn Nam tâm đắc là 100% số hộ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà 167 đều được chính quyền địa phương khuyến khích làm nhà xây chắc chắn. Đây là kinh nghiệm địa phương rút ra từ kết quả làm nhà theo chương trình 134, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Vì trước đây, do làm nhà bằng cây gỗ keo, gỗ mỡ... nên chỉ mấy năm sau đã hư hỏng, xuống cấp.
“An cư mới lạc nghiệp”, có được ngôi nhà ở chắc chắn, người dân mới yên tâm để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Và như thế đồi bãi, ruộng vườn nơi đây mới tươi tốt, từ đó góp phần quan trọng làm thay đổi đáng kể diện mạo của vùng quê với hơn 4.000 nhân khẩu, thuộc 22 xóm, bản của xã vốn gặp nhiều khó khăn.