Vì sao Phong trào “Hiến máu tình nguyện” chưa phát huy hiệu quả?

15:18, 27/11/2010

Với dân số 1,3 triệu người và là 1 trong 3 trung tâm Giáo dục và Đào tạo lớn của cả nước với trên 20 trường ĐH, CĐ và THCN, Thái Nguyên là nơi có nhiều điều kiện để thực hiện phong trào hiến máu tình nguyện, đặc biệt là trong lực lượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm, nhưng toàn tỉnh mới thu gom được gần 5 nghìn đơn vị máu (ĐVM), đạt khoảng 50% kế hoạch đề ra.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Minh Tiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện tỉnh cho biết: Thực hiện Quyết định số 43 của Thủ tướng Chính phủ về việc vận động và khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện, tháng 11-2005, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Hiến máu tình nguyện của tỉnh được thành lập. Trong những năm đầu triển khai Phong trào, số đơn vị tham gia rất ít. Cụ thể, năm 2005 toàn tỉnh chỉ thu gom được 134 ĐVM; năm 2006 thu được 1.961 ĐVM; năm 2007 thu được 1.780 ĐVM và năm 2008 thu được 1.466 ĐVM. Để phong trào phát huy hiệu quả, huy động được mọi lực lượng xã hội tham gia, bắt đầu từ năm 2009, BCĐ hiến máu tình nguyện tỉnh đã xây dựng kế hoạch thu gom 7.000 ĐVM. Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, BCĐ đã gửi kế hoạch đến các đơn vị, trong đó có nêu chi tiết thời gian các đơn vị tổ chức hiến máu để tránh sự chồng chéo. Vì vậy, các đơn vị cũng đã bắt đầu có ý thức hơn trong việc tham gia phong trào.

 

Kết thúc năm 2009, toàn tỉnh thu gom được được 4.833 ĐVM (đạt khoảng 70% kế hoạch), tăng gấp 3 so với năm 2008. Thế nhưng, ngoài một số trường học thì mới chỉ có 4 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và Đồng Hỷ tham gia; các huyện, thị khác và các doanh nghiệp hầu như không tham gia. Qua thực tế triển khai phong trào cho thấy, tại những đơn vị mà lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức phong trào thì ở đó phong trào hiến máu tình nguyện đạt kết quả tốt. Ngược lại, có những đơn vị trong suốt 5 năm (2005-2009) không tổ chức được 1 lần hiến máu nào, hoặc có tổ chức nhưng lượng người tham gia rất ít. Vậy nên, đầu năm 2010, sau khi phát động phong trào và triển khai kế hoạch đến các đơn vị, BCĐ đã tổ chức gặp mặt các nhà quản lý (lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trường học) với thông điệp “Máu cứu người trách nhiệm trước hết thuộc về nhà quản lý” để qua đó nâng cao trách nhiệm của các nhà quản lý trong thực hiện phong trào.

 

Kết quả đến nay, 100% các huyện, thành, thị trên địa bàn đã tổ chức được phong trào hiến máu, có đơn vị tổ chức được 2 đợt. Tuy nhiên, ở khối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, số đơn vị tham gia còn ít. Khối các trường học chỉ chủ yếu thực hiện vào tháng 3 - Tháng Thanh niên. Do đó, tính đến đầu tháng 11, toàn tỉnh mới tổ chức được khoảng trên 30 đợt hiến máu, với tổng số máu thu được gần 5 nghìn đơn vị, đạt khoảng 50% kế hoạch đề ra.

 

Như vậy, mặc dù đã có những chuyển biến sau gần 6 năm thực hiện (từ 2005-2010), nhưng phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh ta vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

 

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Vũ Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu Thái Nguyên cho biết: Lượng máu thu gom được từ phong trào hiến máu tình nguyện mới chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu máu chữa bệnh của nhân dân. Trong khi máu sau khi thu gom chỉ có hạn sử dụng 35-42 ngày thì việc vận động thu gom ồ ạt vào tháng 3 - Tháng Thanh niên gây nên tình trạng dư thừa, lãng phí, trong khi nhu cầu máu cho bệnh nhân ở các tháng khác lại thiếu.

 

Lý do nữa để việc hiến máu chưa đạt hiệu quả là công tác tuyên truyền về phong trào này ở tỉnh ta lâu nay còn mờ nhạt. Toàn bộ công tác tuyên truyền do BCĐ vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phụ trách nhưng đến nay vẫn chưa có cán bộ chuyên trách, chỉ có một đồng chí ở Hội Chữ Thập đỏ tỉnh làm kiêm nhiệm phụ trách đến 6 lĩnh vực, trong đó có mảng vận động tuyên truyền hiến máu tình nguyện. Chính vì vậy mà việc thống kê, rà soát để yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các kế hoạch của BCĐ hiến máu tình nguyện cũng còn bỏ ngỏ.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ hiến máu tình nguyện tỉnh cho biết: Thời gian tới, ngoài việc tăng cường hoạt động của các thành viên BCĐ, nêu cao tính chủ động của cơ quan Thường trực là Hội Chữ thập đỏ tỉnh trong việc phối hợp triển khai phong trào thì công tác giám sát việc thực hiện tại các địa phương, đơn vị theo kế hoạch hàng năm của của tỉnh cũng sẽ được chú trọng. Đồng thời, sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng để cao nhận thức và tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị, những người sử dụng lao động…