Vì tương lai tươi sáng

14:26, 03/11/2010

Tiếp cận phổ cập và quyền con người  tiếp tục được Liên hợp quốc chọn là chủ đề của chiến dịch phòng, chống AIDS năm 2010. Đây cũng là chủ đề mà Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động trong cả nước nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11-10/12/2010).

 

Tiếp cận phổ cập được hiểu là việc cung cấp các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc hỗ trợ HIV cho tất cả mọi người có nhu cầu không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo, sở thích… Tiếp cận phổ cập được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu quốc gia, do quốc gia tiến hành thông qua các khảo sát toàn diện về tình hình dịch, khả năng mở rộng các ứng phó của quốc gia chống lại HIV, dựa vào quá trình tham vấn, đóng góp ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự, những người sống với HIV và các đối tác khác.

 

Trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2001, các quốc gia đã nhất trí thông qua bản tuyên bố cam kết phòng, chống HIV/AIDS. Tuyên bố đã đưa ra giới hạn về thời gian cho việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu, khu vực và quốc gia về phòng chống AIDS. Năm 2005, sau khi nhận thấy sự chậm trễ trong tiến trình thực hiện các mục tiêu này, các quốc gia và các cơ quan đối tác đã nhất trí với nhau về nhu cầu cấp thiết là cần đẩy mạnh và nhân rộng các nỗ lực quốc gia để đối phó với dịch AIDS, dẫn tới việc cho ra đời một cam kết toàn cầu nhằm tiến tới việc tiếp cận phổ cập về dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ. Sáng kiến tiến tới tiếp cận phổ cập không những được Đại hội đồng Liên hợp quốc mà còn có một số cơ quan khác như: Liên minh châu Phi, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G8) cũng tán thành và ủng hộ. Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS năm 2006 ở New York, các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam đã ký bản tuyên bố chính trị về phòng chống HIV/AIDS, theo đó các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tiếp cận phổ cập nhằm thực hiện chương trình phòng, chống HIV toàn diện cả về dự phòng, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ vào năm 2010 và tiếp cận được mọi tầng lớp nhân dân.

 

Chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người” tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người. Việc thực hiện tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV là quyền cơ bản của con người. Chủ đề này cũng là lời kêu gọi tất cả các quốc gia xóa bỏ những rào cản về phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, phụ nữ và những nhóm người dễ bị tổn thương; kêu gọi các quốc gia cần thực hiện các cam kết để bảo vệ quyền con người trong tuyên bố cam kết về HIV/AIDS năm 2001 và tuyên bố chính trị về HIV/AIDS năm 2006.

 

Dù thế giới ngày nay đã có rất nhiều tiến bộ trong cung cấp các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc hỗ trợ HIV cho tất cả mọi người có nhu cầu nhưng hàng năm, vẫn có hàng triệu người tiếp tục bị nhiễm HIV mà hầu hết là ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Thế giới hiện mới chỉ có gần một nửa số người nhiễm HIV có nhu cầu điều trị thuốc kháng vi rút được tiếp cận với thuốc điều trị và hơn một nửa số họ vẫn chưa được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc và điều trị thích hợp. Bảo vệ quyền con người là cơ sở để đối phó với dịch HIV/AIDS trên toàn cầu. Việc vi phạm quyền con người sẽ làm cho dịch HIV tiếp tục lan ra nhanh hơn và sẽ tiếp tục đẩy nhóm người dễ bị tổn thương như nghiện chích ma túy, mại dâm vào nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn. Khi nâng cao quyền cơ bản của mỗi cá nhân mới có thể tránh được các ca nhiễm mới và những người đã nhiễm HIV mới có thể được sống trong sự sẻ chia, hỗ trợ của cộng đồng, không có sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

 

Năm 2010 đánh dấu chặng đường 20 năm Việt Nam đương đầu với HIV/AIDS, mục tiêu chủ yếu của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay nhằm: Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân về tiếp cận phổ cập trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người dâm có nhu cầu. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Tiếp tục tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.