Chống rét cho gia súc, gia cầm

16:29, 18/12/2010

Hiện một số địa phương, đặc biệt là ở miền núi, đã triển khai nhiều biện pháp chống rét, bảo vệ đàn gia súc, đảm bảo sản xuất nông nghiệp.

 

Tỉnh Hà Giang tiếp tục chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, làm cho nhiệt độ ở 145 xã vùng cao xuống dưới 10 độ C và nhiều xã vùng núi cao nhiệt độ đã xuống đến ngưỡng 5 độ C và dưới 5 độ C.

 

Việc bảo vệ đàn gia súc được các cấp chính quyền, đoàn thể và bà con các dân tộc đặc biệt chú trọng. Tại 4 huyện vùng cao núi đá là Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm trong những ngày rét đã thành nếp.

 

Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, người dân tăng cường bổ sung thức ăn tinh cho gia súc, cho gia súc uống nước ấm và đốt trấu, ủ than củi trong chuồng gia súc. 2 huyện vùng cao núi đất là Hoàng Su Phì, Xín Mần- nơi trước đây có tập quán thả rông gia súc sau gặt mùa nay cũng đã đưa gia súc về nuôi nhốt. Trước mùa lạnh, tỉnh đã tổ chức tiêm phòng các loại cho đàn gia súc, gia cầm.

 

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 150 nghìn con trâu, bò 600 nghìn con lợn và trên 6 triệu con gia cầm. Trước tình hình thời tiết đang có rét đậm, rét hại, nhiều nơi thuộc khu vực miền núi, vùng cao nhiệt độ hạ xuống còn 4-5 độ C, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo 9 huyện, thành phố, thị xã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.

 

Nhiều biện pháp được bà con thực hiện triệt để như che chắn chuồng trại, nền chuồng rải chất độn như rơm, trấu, rạ khô; giữ chuồng khô ráo, vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc khử trùng 20-30 ngày/lần để hạn chế vi trùng gây bệnh; dự trữ đủ lượng thức ăn cần thiết trong vụ đông; không chăn thả trâu, bò quá sớm hoặc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp; đối với gia cầm chỉ nên thả khi nhiệt độ ngoài vườn lớn hơn 15 độ C...

 

Chi cục Thú y tỉnh Thái Nguyên cũng đã cấp gần 300.000 liều vaccine tiêm phòng cho trâu, bò, lợn và gần 4 triệu vaccine tiêm cúm gia cầm cho các địa phương trong tỉnh để tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

 

Ngoài việc chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều biện pháp chống rét, bảo vệ cho mạ và diện tích lúa mới cấy. Đối với mạ đã gieo, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con tiến hành điều tiết nước giữ ẩm cho mạ về ban ngày, kết hợp với rắc tro bếp, che phủ bằng nilon.

 

Đối với diện tích lúa đã cấy, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn bà con ban đêm tháo nước vào ruộng ngập từ 2-3 cm, ban ngày tháo cạn, đồng thời, yêu cầu các địa phương chuẩn bị thóc giống để gieo mạ dự phòng khi cần thiết, đảm bảo đủ mạ để cấy hết diện tích.

 

Tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác phòng chống đói rét cho trâu, bò, mở nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nông dân các biện pháp che chắn chuồng trại, chế biến thức ăn dự trữ thô, tinh nhằm giữ ấm và đảm bảo khẩu phần ăn cho trâu, bò khi mùa đông kéo dài.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đề nghị các huyện có tập quán chăn thả rông trâu, bò sớm di chuyển đàn gia súc về nơi nuôi nhốt có thể kiểm soát được. Qua gần một tháng nghiêm túc thực hiện, nhìn chung các huyện đã thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc của mình.

 

Để thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét cho trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh, trạm Thú y tỉnh Hòa Bình khuyến cáo người chăn nuôi phải chủ động trên 3 phương diện: Phòng chống dịch bệnh – dự trữ thức ăn và chống rét cho đàn gia súc. Trong đó, tỉnh chỉ đạo chặt chẽ việc tiêm phòng, tạo miễn dịch đàn gia súc trong những ngày đông giá rét; chủ động dự trữ, chế biến thức ăn cho chúng.