Công bố kết quả khảo sát nghèo đô thị ở HN và T.P HCM

14:10, 16/12/2010

Từ kết quả khảo sát này sẽ giúp cho chính quyền hai thành phố lớn có cái nhìn sâu sắc hơn, đánh giá chính xác hơn về tình trạng nghèo đô thị, góp phần đề ra những giải pháp phù hợp đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

 

Ngày 15/12, kết quả Khảo sát nghèo đô thị tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được công bố.

 

Đây một trong những hoạt động nằm trong dự án Hỗ trợ đánh giá sâu về nghèo đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh" do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tài trợ với cơ quan chủ quản là UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

Cuộc điều tra được tiến hành vào tháng 10-11/2009 tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (theo ranh giới của thành phố trước khi mở rộng năm 2008).

 

Bên cạnh phương pháp thống kê, phân tích về nghèo dựa trên khía cạnh thu nhập và chi tiêu, cuộc khảo sát còn mở rộng tìm hiểu các khía cạnh khác tác động  mạnh đến đời sống của cư dân đô thị như giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở…

 

Trong quá trình khảo sát, có 3.349 gia đình, cá nhân được phỏng vấn trực tiếp, trong đó có 17,4% những người được phỏng vấn là người dân di cư.

 

Năm 2009, thu nhập bình quân của hai thành phố là 2,404 triệu đồng/người/tháng theo giá hiện hành (Hà Nội: 2,321 triệu đồng; Hồ Chí Minh: 2,445 triệu đồng).

 

Mặc dù có tỷ lệ nghèo thu nhập thấp hơn Hà Nội, nhưng thành phố Hồ Chí Minh lại có tỷ lệ nghèo cao hơn đối với các chiều thiếu hụt khác về an sinh xã hội, nhà ở.

 

Ở cả hai thành phố, ba lĩnh vực thiếu hụt nhiều nhất là tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ nhà ở phù hợp (bao gồm dịch vụ điện, nước, nước và rác thải), tiếp cận nhà ở có chất lượng và diện tích phù hợp.

 

Người dân ở khu vực nông thôn và người dân di cư chịu thiếu hụt ở tất cả các chiều nhiều hơn người dân thành thị và người dân có hộ khẩu. Đáng chú ý là thiếu hụt về tham gia các hoạt động xã hội của người di cư cao và chênh lệch nhiều so với người dân có hộ khẩu.

 

Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập chỉ là một yếu tố phản ánh tình trạng nghèo đa chiều. Đối với người dân di cư, an sinh xã hội vẫn là yếu tố đóng góp hàng đầu vào chỉ số nghèo đa chiều, tiếp đó là chất lượng/diện tích nhà ở. Đối với cư dân có hộ khẩu, ba đóng góp lớn nhất vào chỉ số nghèo đa chiều là an sinh xã hội, dịch vụ nhà ở và chất lượng/diện tích nhà ở.

 

Phó Chủ tịch UBND T.P Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển cho rằng, kết quả cuộc khảo sát sẽ giúp các cơ quan Nhà nước, chính quyền hai thành phố có được những nhìn nhận sâu sắc hơn, đánh giá chính xác hơn mức độ nghèo đô thị.

 

Đồng thời, cả hai thành phố đều sẽ quan tâm tăng cường việc tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, cải thiện các dịch vụ liên quan đến nhà ở, nâng cao chất lượng và cải thiện diện tích nhà ở.

 

Bộ phận dân di cư ở thành phố chiếm một phần lớn trong số những người nghèo của hai thành phố nên chính quyền hai thành phố sẽ có những chính sách dài hạn nhằm giúp họ thoát khỏi tình trạng thiếu hụt những điều kiện sống cơ bản, đảm bảo mức sống cao, ổn định cho mọi người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.